Multimedia Đọc Báo in

Ama Minh làm kinh tế giỏi

09:17, 06/07/2012

Năm 1993, khi mới lập gia đình, gia đình anh Ama Minh, buôn Pôk A, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) chỉ có 5 sào đất trống được Nhà nước cấp, anh đã đưa cây cà phê vào trồng. Xác định cà phê là loại cây trồng lâu năm phải đến 3-4 năm mới cho thu hoạch, để giải quyết cái ăn trước mắt cho gia đình, Ama Minh đã tận dụng phần đất trống khi cà phê chưa phát tán trồng thêm một số loại cây hoa màu như: ngô, đậu… Tuy nhiên, do cây trồng không được đầu tư chăm sóc chu đáo, tình trạng sâu bệnh, hạn hán lại thường xuyên xảy ra dẫn đến hiệu quả đem lại không cao…

Không nản lòng, vợ chồng anh đã tích cực tìm hiểu, học hỏi kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Để chống hạn cho cây trồng, hằng ngày vợ chồng anh phải túc trực trên rẫy đợi nguồn nước để tưới, nhiều khi còn phải đi xuống suối tìm nguồn nước mạch, gánh từng gầu lên tưới cho cây cà phê và hoa màu. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, vợ chồng anh còn đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống và tích lũy thêm nguồn vốn đầu tư…. Nhờ vậy, năng suất cây trồng của gia đình anh Ama Minh ngày càng tăng. Nếu như trước đây với 5 sào đất canh tác, gia đình anh chỉ thu được 1 tấn cà phê thì hiện nay đã tăng lên gấp đôi, kinh tế gia đình anh đã bớt khó khăn hơn. Có vốn anh đã mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, anh đã có trong tay 1 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây cà phê. Ama Minh còn trồng xen một số cây ăn quả trong vườn cà phê; đồng thời tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà làm chuồng nuôi heo. Hiện nay, mỗi đợt anh nuôi từ 5-6 con heo thịt. Nhờ biết áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh nên thu nhập của gia đình anh không ngừng tăng lên, đến nay tổng thu nhập của gia đình đã lên đến gần 150 triệu đồng/năm… Gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá trong buôn.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.