Để chợ truyền thống vẫn còn sức hút
Trước sức ép của các siêu thị và các trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các chợ truyền thống trên địa bàn TP. đang nỗ lực để “níu” chân người tiêu dùng (NTD).
Qua rồi cái thời “trăm người bán, vạn người mua”
Chỉ tính riêng đầu năm đến nay, đã hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Buôn Ma Thuột khai trương và đi vào hoạt động. Có thể kể đến siêu thị Điện máy Buôn Ma Thuột, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim - Buôn Ma Thuột, Vinatex Buôn Ma Thuột… Bên cạnh siêu thị và trung tâm thương mại của các hệ thống bán lẻ, thì các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni tư nhân cũng đang phát triển mạnh, với hàng hóa phong phú, trưng bày bắt mắt… Các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều giúp NTD có thêm nhiều lựa chọn, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho việc buôn bán ở các chợ kém sôi động hơn. Có dịp ghé vào một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sẽ không khó để bắt gặp những tiếng thở dài than thở của nhiều tiểu thương như: Buôn bán thời buổi này ế ẩm lắm, người đi dạo xem hàng hóa thì nhiều chứ có được mấy người mua, chợ bây giờ không còn tấp nập như ngày trước… Dường như khái niệm “trăm người bán, vạn người mua” đã hết thời hoàng kim, thay vào đó là việc các trung tâm thương mại, siêu thị đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người. Bởi mua hàng ở siêu thị NTD sẽ yên tâm hơn, trước hết về giá cả; hơn nữa, hàng hóa được bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên có tính an toàn cao. Bên cạnh đó, các kênh phân phối này cũng không ngừng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích nhu cầu mua sắm. Kênh bán hàng ở chợ truyền thống theo đó bị kém sức mua và bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Tự mình thay đổi
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương): hiện nay cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống, hơn 600 siêu thị, khoảng 102 trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, theo ước tính: các mặt hàng rau quả, các sản phẩm phân phối trong trung tâm thương mại và siêu thị chỉ chiếm dưới 5% tổng số nhu cầu của người dân, trong khi các chợ truyền thống chiếm 45-50% và 40-45% thuộc về chợ "cóc", chợ tạm và những người bán rong.
Nhiều quầy hàng ở chợ đã trưng bày tiện lợi và đẹp mắt hơn để làm hài lòng NTD . Trong ảnh: Chọn mua giày dép tại cửa hàng Biti’s - chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. |
Chính sự cạnh tranh thị trường gay gắt với các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại khiến chợ truyền thống càng phải nỗ lực tìm cách ổn thị trường, đẩy mạnh sức mua. Một trong những biện pháp được nhiều tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột áp dụng là bán hàng đúng giá, đề cao văn minh ở chợ… Ngoài việc thay đổi thói quen bán hàng (nói không với hành vi kinh doanh kiểu chụp giật, “chặt, chém” giá; thực hiện việc không nói thách, hàng hóa phải được niêm yết giá…) nhiều người đã biết cách sắp xếp quầy hàng của mình đẹp mắt và tiện gọn hơn để “bắt mắt” NTD. Cách hành xử của tiểu thương bán hàng tại các chợ này cũng đã thay đổi nhiều: quầy hàng sạch sẽ, lời ăn tiếng nói, thái độ mời chào của người bán cũng nhẹ nhàng hơn. Bà Cư, bán thực phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột nhận ra rằng: “Phải thay đổi để tự cứu sống mình thôi. Bản thân tôi cũng vậy, nhiều lúc thích vào chợ mua cho tiện đường nhưng lại cứ e dè, sợ mua hớ hoặc vướng phải những lời mời chào sa sả, chối tai. Thời gian qua, việc buôn bán của chúng tôi có lúc rất khó khăn bởi những lý do đó...”. Còn chị Hoa - tiểu thương tại chợ tạm Buôn Ma Thuột bộc bạch: “Để giữ được khách quen thì hàng bán ra phải bảo đảm chất lượng, giá cả phải chăng, chứ thời buổi cạnh tranh này, nói thách một tiếng là mất khách liền”.
Theo Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu thương mại: chợ truyền thống còn mang đậm dấu ấn văn hóa, dấu ấn hồn Việt, thể hiện trong giao dịch và văn hóa của chợ. Hàng hóa ở chợ có ưu điểm tươi mới, phong phú, đặc trưng vùng miền và giá rẻ, thuận tiện mua bán... Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chợ truyền thống trong việc phân phối hàng hóa đến tay NTD. Kênh phân phối này vẫn không hề giảm sức hút đối với phần đông NTD mặc cho hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm - thương mại mọc lên ngày một nhiều. Mua hàng ở chợ đã trở thành thói quen ưa thích của nhiều người bởi nếu không hài lòng thì có thể đổi lại món khác. Hơn nữa, đi chợ còn là thú vui với nhiều chị em vì tâm lý được mặc cả, tự tìm giá trị đích thị cho món hàng cần mua. Không những thế, nếu chịu khó tìm tòi sẽ mua được nhiều thực phẩm tươi ngon, giá thành lại “mềm” hơn nhiều so với các siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Tại TP. Buôn Ma Thuột, những địa điểm như: chợ đầu mối Tân An, chợ Tân Thành, Ea Tam, Phan Bội Châu… đã trở thành địa điểm thường xuyên tìm đến của nhiều bà nội trợ để tiết kiệm chi tiêu. Nhiều loại thực phẩm ở các chợ này do người dân các xã, phường lân cận tự túc nuôi trồng để sử dụng trong gia đình, còn dư đem ra chợ bán như: cá nước ngọt, trứng gà ta và các loại rau cải, củ, quả… nên giá rất rẻ.
Khi mức sống ngày càng cao, nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều, NTD có quyền lựa chọn cho mình những kênh phân phối ưa thích nhất. Trên thực tế, chợ truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm mà còn thể hiện được giá trị văn hóa lâu đời của người Việt. Người ta ra chợ để còn được giao lưu văn hóa, quan tâm, hỏi han lẫn nhau. Song đã đến lúc chợ truyền thống cần thay đổi để thích ứng với cuộc sống hơn và không bị loại ra trong cuộc cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ như hiện nay. Trong đó, thái độ ân cần, lịch sự, vui vẻ của tiểu thương là yếu tố quan trọng để “giữ chân” khách hàng…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc