Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: Công ty Vinatexmat triển khai hai dự án trồng bông công nghiệp

08:07, 08/07/2012
Ngày 6- 7- 2012, tại huyện Ea Súp, Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam- Vinatexmat (thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam) đã tổ chức lễ khởi công triển khai “Dự án trồng bông công nghiệp có tưới tập trung” tại xã Ya Tờ Mốt và “Dự án liên kết đầu tư trồng bông công nghiệp” tại Làng thanh niên lập nghiệp biên giới thuộc xã Ia Lốp.
 
Từ những tiềm năng, lợi thế của huyện Ea Súp nói riêng và tỉnh Dak Lak nói chung về điều kiện đất đai, khí hậu... Công ty Vinatexmat đã phát triển cây bông vải trồng dạng công nghiệp theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao bao gồm cả việc sử dụng các giống bông kháng sâu bệnh, chuyển đổi thời vụ từ trồng bông truyền thống (trong mùa mưa) sang trồng vào vụ đông xuân có tưới, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất… nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, làm tiền đề cho những quy hoạch và sự phát triển về diện tích cây bông quy mô lớn trên địa bàn tỉnh sau này. 
 
Quang cảnh buổi Lễ Khởi công
Quang cảnh buổi Lễ Khởi công
 
Dự án trồng bông công nghiệp có tưới với quy mô 192,5 ha, triển khai trên diện tích đất nằm trong khu vực rừng nghèo (thuộc xã Ya Tờ Mốt) đã được huyện Ea Súp quy hoạch chuyển đổi sang đất sản xuất nông nghiệp (có  hệ thống lấy nước tưới tiêu từ công trình thủy lợi Ea Súp thượng), được UBND tỉnh Dak Lak bàn giao cho Công ty Vinatexmat đầu tư với số vốn dự kiến 39 tỷ đồng. Riêng Dự án liên kết đầu tư trồng bông công nghiệp (tại Làng thanh niên lập nghiệp biên giới xã Ia Lốp) được triển khai với quy mô 200 ha, số vốn đầu tư ban đầu 40,2 tỷ đồng, gồm toàn bộ diện tích đất còn lại chưa sử dụng hết của Dự án trồng bông tập trung do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư (hiện mới chỉ sản xuất được trên 260 ha bông/tổng số trên 460 ha đất của dự án).
 
Đại diện tỉnh, huyện Ea Súp và phía chủ dự án khởi công
Đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện Ea Súp và phía đơn vị đầu tư dự án làm lễ động thổ công trình
Qua 2 dự án trồng bông của Công ty Vinatexmat, sẽ tạo ra mô hình sản xuất tập trung theo lối công nghiệp áp dụng công nghệ cao, làm cơ sở cho phát triển cây bông của người dân quanh vùng dự án; tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đặc biệt là lao động tại các xã Ya Tờ Mốt, Ia R’vê, Ia Lốp; làm tiền đề kỹ thuật để thực hiện kế hoạch phát triển cây bông có tưới theo định hướng của Chính phủ và quy hoạch của tỉnh Dak Lak. Đây cũng là 2 dự án quan trọng của ngành dệt may Việt Nam, mở đầu cho quá trình thực hiện quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 8- 10- 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 đạt 9.000 ha và định hướng đến năm 2020 đạt 40.000 ha diện tích bông công nghiệp có tưới; từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, an ninh chính trị tại khu vực biên giới.
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.