Khá lên nhờ nuôi dê
Từng là một đội viên du kích, xã đội trưởng gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước, người thương binh ¼ Nguyễn Văn Hồng được điều động vào đội công tác của tỉnh Quảng Nam bổ sung cho đội ngũ cán bộ cốt cán xây dựng điểm kinh tế mới Cư Phiăng, xã Hòa Phong (Krông Bông). Ở quê hương mới, ông Hồng từng đảm nhiệm công tác Đoàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sơn Phong, sau đó công tác tại Công ty Vật tư Nông nghiệp huyện Krông Bông và về nghỉ mất sức năm 1986 vì lý do sức khỏe.
Với tỷ lệ thương tật 25% và bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin, vợ ông cũng từng là du kích xã tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, ông Hồng có hoàn cảnh rất khó khăn: đứa con gái đầu lòng của vợ chồng ông mất khi mới hơn 2 tuổi, người con trai thứ ba bị dị tật vận động. Con cái thường xuyên bị bệnh tật lại thiếu người lao động, nên có lúc gia đình ông lâm vào cảnh túng thiếu với bao khó khăn chồng chất, tưởng chừng không vượt qua nổi… Bằng ý chí và nghị lực của một người đã từng xông pha trận mạc, không bằng lòng với số phận, ông Hồng bàn với vợ con phải thay đổi tập quán sản xuất độc canh, vì làm nông nghiệp mà chỉ tập trung trồng trọt thì may ra mới đủ ăn, muốn làm giàu cần phải kết hợp với chăn nuôi, song nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế nhất cũng là bài toán nan giải.
Ban đầu gia đình ông chăn nuôi heo, rồi đến nuôi bò, thế nhưng khi xuất chuồng, tính toán lại nếu trừ chi phí thì cũng chỉ lấy công làm lời. Sau nhiều đêm trăn trở, nắm được lợi thế nhà gần bìa rừng, vợ chồng ông quyết định chuyển sang nuôi dê. Ông cho biết: “Nuôi dê thuận lợi hơn nhiều so với những con khác, vì không phải tốn nhiều chi phí thức ăn, dê lại ít bị nhiễm bệnh, chỉ cần kết hợp chăn thả với làm một công việc nhẹ khác vẫn được”. Hiện nay, đàn dê của gia đình ông Hồng thường xuyên có 40 con, trong đó có 30 dê cái, trung bình 75 ngày sinh sản trên 30 dê con, sau khi nuôi 3 tháng trọng lượng đạt 20 kg là có thể xuất chuồng, với giá bán 110.000 đồng/ kg, mỗi năm gia đình cũng thu được gần 100 triệu đồng. Ngoài ra với 3 sào ruộng nước 2 vụ, mỗi năm ông còn thu được trên 6 tấn thóc và hàng chục triệu đồng từ 5 sào sắn trong vườn.
Cuộc sống của gia đình ông dần ổn định, con cái cũng đã trưởng thành. Ông còn luôn sẵn lòng giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn, xã bằng cách cho vay, tùy theo trường hợp mà không tính lãi hoặc lãi suất thấp. Vì thế, ông Hồng từng được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hòa Phong suốt 3 nhiệm kỳ (1989 – 2004).
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc