Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phát triển nghề truyền thống từ những đề án khuyến công

18:31, 13/07/2012

Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm từ nghề truyền thống thường gặp nhiều khó khăn về đầu ra, do vậy nghề truyền thống cũng gặp nhiều trở ngại trong duy trì  và phát triển. Cùng với sự nỗ lực tìm lối đi phù hợp của những hợp tác xã, làng nghề, thì các đề án khuyến công địa phương cũng đã góp phần hỗ trợ đắc lực vào sự phát triển của nghề truyền thống.

Các lớp đào tạo nghề thủ công truyền thống đã góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Các lớp đào tạo nghề thủ công truyền thống đã góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Đào tạo nâng cao tay nghề

Năm 2009, từ quỹ khuyến công địa phương, Trung tâm khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh đã mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm nâng cao cho 32 học viên là xã viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Khóa học chỉ trong 3 tháng nhưng đã góp phần giúp các xã viên nâng cao tay nghề. Chị H’Dam Buôn Krông, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: trước tình trạng sản phẩm thổ cẩm đang mất dần chỗ đứng trong đời sống cộng đồng, day dứt trước một nghề gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần mất đi, là người tâm huyết với nghề lại là chủ nhiệm, nên chị đã cùng với các xã viên cố gắng duy trì HTX. Những năm gần đây, cùng với những chương trình tài trợ của tỉnh để HTX tham gia các hội chợ, triển lãm, các đề án khuyến công về đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ xã viên. Sau khóa học, chị em đã biết dệt những hoa văn khó, từ đó sản phẩm thổ cẩm dệt ra đẹp, tinh xảo với mẫu mã phong phú hơn. HTX cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng thường xuyên từ các khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh, không còn tình trạng bế tắc, hoạt động cầm chừng vì sản phẩm không tìm được đầu ra như trước. Bên cạnh đó, để giúp HTX phát triển thêm nghề gỗ mỹ nghệ, cũng từ quỹ khuyến công địa phương, Trung tâm đã hỗ trợ HTX máy bào liên hợp và mở lớp đào tạo nghề gỗ mỹ nghệ cho 32 học viên là thanh niên của buôn Tăng Yú. Tuy khóa học chỉ trong vòng 3 tháng, nhưng cũng đã giúp các học viên bổ sung những kiến thức quý báu trong làm sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Từ những kiến thức cơ bản học được, nhiều học viên đã tiếp tục tự học, trở thành những thợ lành nghề như: Y Ser Buôn Krông, Y Biên Kla, Y’Hel Niê… Bản thân như Y Ser, ngoài việc thường xuyên “cộng tác” với HTX, còn được các xưởng mộc trong tỉnh mời gia công đồ gỗ mỹ nghệ. Thu nhập ổn định từ nghề mang lại cho Y Ser bình quân mỗi tháng 3-4 triệu đồng. Còn Lê Xuân Hiệp ở thôn 3, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar, một trong 24 học viên từng tham gia lớp đào tạo nghề gỗ mỹ nghệ được Trung tâm khuyến công tỉnh hỗ trợ tổ chức tại huyện Ea Kar vào tháng 10-2010 cho biết:, cùng với những “kiến thức” về nghề chạm khắc gỗ tự bổ sung, sau 6 tháng tham gia khóa đào tạo, tay nghề của Hiệp đã được nâng lên rõ rệt. Hiệp đã biết chạm khắc nhiều hoa văn phức tạp, điêu luyện hơn. Thu nhập từ nghề mang lại cho Hiệp ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Hỗ trợ xác lập thương hiệu

Nghề làm bánh tráng ở Ea Bar được hình thành từ những năm 1980, gắn liền với cư dân Bình Định lên định canh định cư tại Ea Bar, Buôn Đôn, mới đầu chỉ mang tính nhỏ lẻ. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công &Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, UBND huyện Buôn Đôn, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn, nghề làm bánh tráng ở Ea Bar đã phát triển thành làng nghề và nhanh chóng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh; bình quân mỗi năm cung cấp khoảng gần 2.000 tấn bánh tráng ra thị trường. Tháng 11-2011, nghề làm bánh tráng ở Ea Bar được tỉnh công nhận. Ông Trần Văn Mỹ, Chủ nhiệm HTX cho biết: từ năm 2007- 2009, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ cho 75 hộ xã viên của HTX, mỗi hộ 3 triệu đồng để mua sắm phương tiện, dụng cụ phục vụ cho phát triển nghề. Nhờ vậy, đến nay đã có trên 180 hộ dân là xã viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp cũng như chính quyền địa phương và nỗ lực của HTX đã góp phần giúp bà con yên tâm tiếp tục với nghề. Và với việc làng nghề bánh tráng Ea Bar được công nhận đã  tạo động lực để bà con nơi đây nỗ lực phát triển sản phẩm bánh tráng  Ea Bar, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thị trường. Đây cũng là cơ sở để HTX bánh tráng Hòa Nhơn tiến tới xây dựng thương hiệu độc quyền cho bánh tráng Ea Bar. Ông Mỹ mong muốn (và cũng là điều mà các xã viên trông chờ): sau khi được công nhận, làng nghề sẽ tiếp tục được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giúp nghề bánh tráng Ea Bar phát triển, sản phẩm được xác lập thương hiệu trên thị trường.

Việc hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển làng nghề truyền thống trong những năm qua đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cũng như gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của một cộng đồng dân cư, của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, để sản phẩm từ nghề truyền thống có thể trở thành những thương hiệu hàng hóa, có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, làng nghề cần tiếp tục được sự quan tâm đầu tư hơn nữa từ nhiều phía. Có như vậy, các làng nghề mới có thể đứng vững trong nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.