Multimedia Đọc Báo in

Máy ra đồng mía

08:57, 31/08/2012

Với 5.000 ha mía, năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha, Ea Kar được xem là địa phương có diện tích, sản lượng mía cao trong tỉnh. Những thành công bước đầu từ chương trình cơ giới hóa trên đồng mía do Trung tâm khuyến nông quốc gia thực hiện là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp cây mía có điều kiện phát triển và đứng vững trên vùng đất Ea Kar.

Cán bộ khuyến nông  huyện  đang  hướng  dẫn  nông dân cách  sử dụng máy.
Cán bộ khuyến nông huyện đang hướng dẫn nông dân cách sử dụng máy.

Qua quan sát thực tế tại các vùng trồng mía ở huyện Ea Kar, chúng tôi nhận thấy, trừ mỗi khâu chuẩn bị đất trồng là dùng máy cày, các công đoạn còn lại đều được nông dân thao tác thủ công bằng đôi tay, từ đốt lá dọn ruộng, phòng chống cháy, băm sửa gốc bằng dao, trồng mía, bón phân, làm cỏ, thu hoạch… Đó là hình thức canh tác mà bao lâu nay người trồng mía ở đây vẫn làm, nên chưa đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư cao mà hiệu quả kinh tế thấp.

Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện triển khai Dự án cơ giới hóa trong sản xuất mía nhằm giúp nông dân thay đổi phương pháp sản xuất, giảm 30 - 35% chi phí và tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30%. Dự án được thực hiện trong 3 năm (2011 – 2013), các hộ tham gia mô hình được Trung tâm khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 75% vốn mua máy nông nghiệp (làm đất đa năng và nâng bốc mía) còn nông dân chỉ góp 25%. Năm 2011, dự án đã hỗ trợ cho 11 nhóm hộ ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Týh 6 máy làm đất đa năng và 5 máy nâng bốc mía, đến năm 2012, dự án tiếp tục hỗ trợ 6 máy làm đất đa năng cho các hộ trồng mía ở xã Ea Đar. Theo cán bộ kỹ thuật của trạm khuyến nông huyện cho biết: máy làm đất đa năng là loại máy nhỏ, có công suất 8hp, được thiết kế truyền động bằng bánh răng, phù hợp di chuyển giữa các hàng mía, bộ công tác bao gồm nhiều linh kiện (lưỡi cày phay, lưỡi đánh luống, lưỡi lấp đất, cánh đánh luống, vun gốc…) được thay thế tùy theo công tác của máy, qua đó, giúp cơ giới hóa hầu hết các công đoạn từ làm đất đến chăm sóc mía, thay cho phương pháp thủ công thường thấy như: lấp đất sau khi đặt hom trồng mía mới, cấy đất để bón phân xới cỏ, lấp đất sau khi bón phân...

Sau hơn 1 năm đưa máy vào sử dụng ở các nông hộ, kết quả cho thấy: công đoạn phá gốc mía cũ, đào rãnh trồng mía mới làm bằng máy hoặc bằng thủ công, chi phí sản xuất như nhau khoảng 2,7 triệu đồng/ha; công đoạn lấp đất sau khi đặt hom, nếu sử dụng sức kéo của trâu, bò, chi phí hết khoảng 1,35 triệu đồng/ha, làm máy chỉ tốn 480.000 đồng/ha; công đoạn cày đất để bón phân, vun đất sau khi bỏ phân, xới cỏ, nếu sử dụng trâu bò chi phí hết khoảng 4,5 triệu đồng/ha, sử dụng máy chỉ tốn 680.000 đồng/ha. Như vậy, việc áp dụng máy làm đất đa năng vào làm đất, chăm sóc mía đã tiết kiệm được khoảng 4,69 triệu đồng/ha, giảm được 55% chi phí đầu tư cho 1 ha mía. Còn đối với máy nâng bốc mía, bình quân 1 giờ cùng với 6 lao động, nâng xếp được từ 10 - 12 tấn mía, nếu nâng xếp thủ công như trước đây thì phải cần tới 10 - 12 người làm trong 1 giờ chỉ được 6 tấn. Theo các nông dân tham gia mô hình: máy làm đất đa năng và máy nâng bốc mía được thiết kế nhỏ gọn, ít tiêu hao nhiên liệu, di chuyển, dễ vận hành và có năng suất cao. Các loại máy này được đưa vào sử dụng bước đầu đã cho thấy hiệu quả rất tốt, giúp nông dân giảm chi phí, giải phóng và giảm công lao động trong khâu bốc xếp, vận chuyển mía. Đối với máy làm đất đa năng, ngoài việc làm cỏ, chăm sóc mía, máy còn giúp cơ giới hóa khâu trồng, chăm sóc các loại cây màu, cây công nghiệp khác. Ông Nguyễn Bảy, thôn 6, xã Ea Sô cho biết: ông và một số hộ trong xã nhận chiếc máy làm đất đa năng từ hồi tháng 7-2011, nên rất chủ động trong việc làm đất, giải quyết được khó khăn về nhân lực trong giai đoạn cao điểm và giảm được chi phí nhân công.

Theo anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ trạm khuyến nông huyện: cơ giới hóa trong sản xuất mía là điều kiện cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng mía. Nếu mô hình này được phổ biến và nhân rộng thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân các vùng trồng mía trong tỉnh.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc