Phòng dịch hơn chống dịch
Dịch heo tai xanh đang hoành hành khiến người chăn nuôi ở Dak Lak điêu đứng. Nhẹ thì lỗ vốn, nặng thì phá sản, dẫn đến khó khăn và nợ nần.
Tình cảnh ấy không những đẩy đời sống hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đi đến chỗ phải loay hoay không biết phải chọn lựa mô hình sản xuất, chăn nuôi cây, con gì cho phù hợp, bền vững…mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Nhãn tiền là ngân sách của nhiều địa phương bị thâm hụt do phải dốc “hầu bao” ra để chống dịch. Phần thì mua vacxin đặc trị, phần thì chi trả công sức cho đội ngũ thú y chuyên trách, và lớn hơn là để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lượng heo bị dịch bệnh buộc phải tiêu hủy. Theo tính toán, nếu bình quân mỗi huyện, thị phải chi ra cho các khoản trên từ 11-12 tỷ đồng thì trong đợt dịch heo tai xanh đang diễn ra tại 11 địa phương trong tỉnh, số tiền được cho là rủi ro ngoài ý muốn lên tới 111-112 tỷ đồng!
Tiền của tiêu tốn không nói, vấn đề đáng quan tâm ở đây là làm sao để có được một nền sản xuất nông nghiệp thật sự an toàn và bền vững. Trong khi chúng ta chưa thực hiện, triển khai được việc bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi để các doanh nghiệp cùng tham gia chia sẻ gánh nặng này với Nhà nước, thì các cơ quan chức năng nên tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân biết cách tự bảo vệ mình trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Ví như trong chăn nuôi heo hiện nay chẳng hạn, Chi cục Thú y Dak Lak cho rằng, nếu từ đầu, công tác tiêm chích vacxin phòng ngừa dịch bệnh cho heo được quản lý, giám sát chặt chẽ (như một yêu cầu bắt buộc) thì đâu phải “dỡ khóc, dỡ cười” khi dịch heo tai xanh xảy ra như hiện nay. Điều đó được nhiều người đồng tình. Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar đánh giá: thiệt hại lớn nhất trong đợt dịch heo tai xanh lần này và cũng như các lần trước, phần lớn rơi vào những hộ chăn nuôi đơn lẻ, không chịu hợp tác với ngành thú y trong công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Ông Hà cũng cho hay: trên địa bàn Ea Kar, những trang trại chăn nuôi heo được tổ chức qui mô, bài bản và có ý thức trong việc phòng ngừa dịch bệnh từ đầu thì vẫn không hề ảnh hưởng gì, thành quả lao động, sản xuất của họ vẫn được giữ vững. Vậy mới biết phòng dịch hơn chống dịch. Hằng năm chỉ cần bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng cho công tác này và giữa người chăn nuôi cùng cơ quan chức năng địa phương có sự gắn kết trách nhiệm với nhau thì chắc rằng mối lo về dịch bệnh sẽ không còn đeo bám, lo lắng nữa.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc