Phòng ngừa sâu bệnh hại cây trồng: Từ thực tiễn đến biện pháp hữu hiệu
Thời gian gần đây, do thời tiết có nhiều biến đổi bất thường, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho các mầm sâu bệnh phát triển trên nhiều diện tích cây trồng, đòi hỏi các ngành chức năng cùng người dân cần sớm chủ động phòng ngừa hiệu quả, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy!”.
Diễn biến phức tạp
Theo Sở NN-PTNT Dak Lak, từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức khá cao và diễn biến phức tạp, nhất là ở cây lúa, cà phê, hồ tiêu, cao su… Vụ đông xuân 2011 - 2012, trên cây lúa, bệnh đạo ôn chiếm tỷ lệ hại từ 5 - 11 %, với diện tích nhiễm 31,5 ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện Lak, Ea Kar, M’Drak, Krông Năng, Krông Ana; bệnh bọ trĩ có mật độ 100- 800 con/m2, với 9 ha nhiễm bệnh tại huyện Krông Bông; rầy nâu, mật độ từ 30 - 1.000 con/m2, phát hiện tại huyện Krông Bông 6 ha nhiễm; tuyến trùng có tỷ lệ 10 - 25%, diện tích nhiễm là 10 ha tại huyện Krông Bông… Cây cà phê, rệp sáp hại chùm hoa, quả non có tỷ lệ hại từ 8 - 25%, với 17 ha nhiễm bệnh tại huyện Ea Kar và Krông Bông; rệp sáp xanh, mọt đục cành, rỉ sắt, khô cành… gây hại nhẹ và rải rác trên phạm vi toàn tỉnh. Ở cây tiêu, bệnh vàng lá chết chậm xuất hiện từ 4 - 11%, diện tích nhiễm 25,1 ha tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Bông. Còn cây cao su, bệnh loét sọc miệng cạo 4 - 15 %, nấm hồng 5 - 15%... tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Buk. Riêng vụ hè thu, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được khoảng 200.000 ha cây ngắn ngày các loại. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trên một số diện tích này do các mầm sâu bệnh cũ ở các vụ trước đó chưa được tiêu diệt triệt để còn ký sinh trong đất, nước, thân, rễ cây trồng cũ…, khi gặp điều kiện thuận lợi đã phát sinh mạnh và gây hại trên cây trồng mới. Lúa ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đã phát sinh bọ trĩ với tỷ lệ hại từ 10 - 25%, diện tích nhiễm 2 ha ở huyện Ea Súp; vàng lá do tuyến trùng có tỷ lệ hại 3 - 30%, diện tích nhiễm 3,3ha tại huyện Ea Súp và Krông Bông. Trên cây cà phê ở giai đoạn ra quả non: rệp sáp mềm xanh, ve sầu, mọt đục cành, sâu đục thân, sâu ăn lá, bệnh khô cành, nấm hồng, gỉ sắt, thối nứt thân, gây hại rải rác. Cây tiêu giai đoạn hoa, quả non cũng xuất hiện bệnh vàng lá chết chậm, chết nhanh, bọ xít, thối cuống quả, đốm lá, thán thư gây hại rải rác; ở cây ngô, bệnh khô vằn trên ngô cũng có tỷ lệ hại 15 - 25%, diện tích nhiễm 80 ha tại huyện Ea Súp. Chưa hết, theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh, trong thời gian tới, bệnh khô vằn, thối rễ, thối bẹ… trên cây lúa vẫn có khả năng phát sinh và gây hại nặng trên ruộng gieo dày, bón thừa đạm. Một số bệnh thường gặp trên cây hồ tiêu, cà phê cũng tiếp tục phát sinh, lan rộng...
Luân canh tăng vụ, xử lý đất triệt để trước khi xuống giống cũng là biện pháp phòng ngừa sâu bệnh hữu hiệu cho cây trồng. |
Biện pháp phòng ngừa
Trước những diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại cây trồng, Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại các địa phương kết hợp với cán bộ cơ sở và bà con nông dân tăng cường công tác thăm đồng, rẫy để kiểm tra tình hình, diễn biến của sâu bệnh, chú trọng kiểm tra mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên cây lúa; các bệnh đang và có nguy cơ phát triển trên rau màu và cây công nghiệp, ăn quả lâu năm để có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nhằm đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời tập trung sản xuất luân canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng quỹ đất kết hợp khâu xử lý đất hiệu quả... Nhờ đó, hiện ở một số địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, tỷ lệ sâu bệnh trên cây trồng không đáng kể và nằm trong tầm khống chế của ngành Nông nghiệp.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, để công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn đạt hiệu quả, không bùng phát thành dịch, hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về khâu phòng chống dịch bệnh thông qua việc củng cố, kiện toàn lại mạng lưới khuyến nông viên cơ sở, coi đây là nòng cốt trong phòng chống dịch hại trên cây trồng tại các địa phương. Phấn đấu áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật về công tác xử lý giống, chọn giống cây có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, bảo đảm gieo trồng đúng thời vụ, tập trung đồng loạt để tránh chu kỳ phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại; chú trọng khâu chăm sóc để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng; tích cực thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch bệnh; theo dõi thời tiết khí hậu và diễn biến sâu bệnh hại qua các thông báo của cơ quan chuyên môn…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc