Multimedia Đọc Báo in

Phong trào xây dựng nông thôn mới: Khi người dân thực sự làm chủ

08:19, 27/08/2012

Thay vì chờ Nhà nước đầu tư để được hưởng thụ như trước kia, giờ đây người dân thôn 12, xã Ea Ktur đã trở thành người chủ thực sự trong việc xây dựng những con đường nội thôn khi tự bỏ tiền, công lao động để cùng chính quyền địa phương làm đường; từ đó tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, góp thêm sức mạnh vào lộ trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Cư Kuin.

        Trục  đường chính dẫn vào  thôn 12  được  nhân dân  góp tiền  để bê tông hóa làm  thay đổi  diện mạo  của thôn.
Trục đường chính dẫn vào thôn 12 được nhân dân góp tiền để bê tông hóa làm thay đổi diện mạo của thôn.

Đã được nghe mọi người khen nhiều về cách làm hay của thôn 12 trong phong trào XDNTM, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ khi đặt chân đến đây và tận mắt chứng kiến con đường chính dẫn vào thôn rộng đến 3,5 m, hệ thống cống, lề đường đều được người dân tự làm rất bài bản, đẹp mắt; hệ thống thùng đựng rác, đèn đường, pa-nô đều được trang bị đầy đủ chẳng khác gì đường ở thành phố. Chưa hết, ngay cả hội trường thôn, sân bóng đá, bóng chuyến và cả sân khấu ngoài trời cũng được xây dựng và nâng cấp để người dân có nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao… Trưởng thôn Lý Văn Xiểng không giấu được niềm vui cho biết: vận động nhân dân đóng góp, tham gia làm đường giao thông nông thôn là đột phá đầu tiên trong việc hoàn thành các tiêu chí về XDNTM. Chỉ trong gần 2 năm, chi bộ và các đoàn thể trong thôn đã vận động 146 hộ dân đóng góp gần 500 triệu đồng cùng ngày công lao động để làm 1,8 km đường nội thôn. Những con đường rộng, sạch, đẹp này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa mà còn là bằng chứng của sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trong XDNTM.

Cũng theo lời trưởng thôn, sau khi Chương trình XDNTM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, Ban tự quản thôn xác định tiêu chí đầu tiên cần hoàn thành là đường giao thông nông thôn. Khi đó, người dân trong thôn cũng rất mong đợi về một con đường bê tông được Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, chi bộ, Ban tự quản thôn nhận thấy: nếu vận động người dân trong thôn góp tiền làm đường, và biến họ từ người được hưởng lợi thành người chủ quản lý con đường, từ thi công cho đến khi sử dụng thì hiệu quả sẽ tốt hơn, và tạo được sự đồng thuận trong dân cao hơn. Khi đưa ý kiến này lên bàn ở cấp xã, huyện mọi người cũng rất đắn đo về tính khả thi của nó…, nhưng với quyết tâm của người dân và ban tự quản thôn, cấp trên cũng đã đồng ý, huyện hỗ trợ xi măng, nhân dân góp tiền (3 triệu đồng/hộ) cùng ngày công và chịu trách nhiệm quản lý, giám sát công trình. Mặc dù nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân, nhưng khi triển khai thực hiện lại gặp những khó khăn về vốn, bởi phần đông người dân làm nông nghiệp, đóng góp tiền triệu một lúc không phải hộ nào cũng có sẵn. Để tháo gỡ, Ban tự quản và chi bộ thôn đã linh hoạt khi thu phần đóng góp của dân, hộ có điều kiện nộp một đợt, hộ khó khăn có thể nộp nhiều lần. Khi đã chuẩn bị được một phần ba vốn dự toán thì tiến hành khởi công ngay, làm đoạn nào xong đoạn ấy để bảo đảm việc đi lại của người dân không bị gián đoạn. Ngoài việc đóng góp tiền, các hộ gia đình tự giải phóng mặt bằng, đóng góp các loại vật dụng khác phục vụ thi công … Điều quan trọng tạo được sự tin tưởng trong người dân là mọi vấn đề thu, chi phục vụ công trình đều được thôn đưa vào sổ sách công khai, minh bạch từng khỏan và công bố tại những cuộc họp. Ngoài ra, quá trình thi công công trình, người dân luôn giám sát chặt chẽ, nhờ vậy chất lượng các con đường rất tốt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Gần như các tuyến đường trong thôn đều đã được bê tông hóa và được bà con quản lý rất tốt, không có tình trạng vứt rác ra đường; mỗi hộ còn đóng 60.000 đồng/năm để bảo dưỡng và nộp tiền điện của hệ thống đèn đường trong thôn. Bà Lý Thị Chứ, một cư dân của thôn cho biết: từ khi đường thôn được bê tông hóa, có đèn đường chiếu sáng, bà con trong thôn vui lắm, việc đi lại khá thuận lợi, nhất là các em học sinh, gia đình không phải lo đưa đón mỗi khi trời mưa hay tối trời. Đầu tư làm đường cho mình cũng chính là đầu tư cho tương lai của con cháu mình. Điều mừng hơn là từ khi có đường, tình làng nghĩa xóm được gắn bó chặt hơn thông qua việc sinh hoạt thể thao, tối nào các bà, các cô cũng í ới nhau đi bộ tập thể dục dọc con đường.

Đến nay, thôn 12 là một trong số ít thôn của huyện Cư Kuin đạt 17/19, tiêu chí nông thôn mới. Thành công này có sự quyết tâm, khéo léo của hệ thống chính trị thôn 12  biết nâng cao vai trò làm chủ của người dân trong phong trào XDNTM, góp phần mang lại hiệu quả to lớn trong vận động sức dân tạo diện mạo mới cho nông thôn.

Đến nay, toàn huyện Cư Kuin đã có 7/8 xã hoàn thành đồ án quy hoạch chung về XDNTM; 8/8 xã hoàn thành đề án XDNTM, trong đó đã phê duyệt xong 2 đề án của xã Ea Tiêu và Hòa Hiệp; xây dựng và triển khai được 13 mô hình sản xuất, 4 lớp dạy nghề cho nông dân nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tổng nguồn vốn huy động và thực hiện XDNTM trên 66 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 4,3 tỷ đồng, các tổ chức, doanh nghiệp 574 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và xã. Mục tiêu đến năm 2015 có 2 xã điểm của huyện là Ea Tiêu và Hòa Hiệp sẽ hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về XDNTM.

Thuận Nguyễn

Một số chỉ tiêu chủ yếu huyện Cư Kuin đạt được trong 5 năm qua

- Năm 2012, tổng GDP ước đạt 1.455 tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2008.

- 5 năm qua đã trồng mới 2.556ha cà phê, nâng tổng diện tích lên 13.770ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 40.000 tấn; hơn 750ha hồ tiêu, đưa tổng diện tích lên 1.304ha, sản lượng bình quân hằng năm gần 1.100 tấn

- Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng đều qua các năm, hiện đàn gia súc có 40.945 con, gia cầm 400.000 con; đã hình thành một số mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng phương thức tiên tiến

- Độ che phủ rừng nâng từ 2% (năm 2008) lên 4,1% (năm 2011)

- Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 1,9 lần so với năm 2008

- Thu cân đối ngân sách tăng mạnh, năm 2008 chỉ khoảng 62,53 tỷ đồng, năm 2012 ước đạt 144,6 tỷ đồng. Chi cân đối ngân sách năm 2012 ước bằng 202% so với năm 2008

- Phát triển hạ tầng: diện tích tưới chủ động nâng từ 56% (2008) lên 76% (2012); 100% thôn, buôn và trên 99% số hộ được cấp điện; tỷ lệ nhựa, bê tông hóa đường từ trung tâm xã đến thôn, buôn đạt 68%;  đường liên thôn, buôn 42% và đường nội thôn, buôn 12%

- Tỷ lệ đất được cấp giấy chứng nhận tăng từ 87% (2008) lên 96% (2012) diện tích đất cần cấp

- 26% trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi

- Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từ 52,52% (năm 2008) lên 70% (năm 2012); thôn, buôn văn hóa tăng từ 30% lên 50%; cơ quan, đơn vị văn hóa từ 45% lên 87%

- Phủ sóng truyền hình đạt 99%, phát thanh đạt 100% đến người dân

- 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ suất sinh giảm từ 19,59%o  (năm 2008) xuống còn 16,48%o (năm 2011); tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 22,42% xuống 18,5%

- 5 năm qua, tạo việc làm mới cho 9.645 lao động

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,6% (năm 2008) xuống còn 13,65% hiện nay (theo tiêu chí mới).


Ý kiến bạn đọc