Thực hiện yêu cầu giảm lãi suất của Thống đốc NHNN: Nhiều ngân hàng “ngó lơ”!
Theo Thông báo 198, ngày 9-7-2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc NHNN yêu cầu chậm nhất đến 15-7-2012, các TCTD ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, riêng việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm vẫn rất chậm.
Vietinbank Dak Lak là một trong những NH đã hoàn thành việc hạ lãi suất về mức tối đa 15%/năm. |
Tính đến đầu tháng 8-2012, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm cho gần 17.400 khách hàng vay vốn, tổng dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 9.120 tỷ đồng, đạt gần 53% dư nợ cho vay lãi suất trên 15%/năm trước thời điểm điều chỉnh. Theo tính toán, số dư nợ với mức lãi suất trên 15%/năm còn khoảng 8.214 tỷ đồng, tương đương trên 26% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Về tổng quan, có vẻ việc điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm được các TCTD trên địa bàn thực hiện khá nghiêm túc. Bởi vì vào thời điểm đó, số dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của toàn quốc còn hơn 29% tổng dư nợ, trong khi của tỉnh ta chỉ còn trên 26%. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ thấy việc triển khai hạ lãi suất về tối đa 15%/năm theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN chưa được tất cả các TCTD quan tâm thực hiện. Kết quả cập nhật của Chi nhánh NHNN Dak Lak cho thấy, khối NHTM Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ tốt hơn khối NHTM cổ phần. Cụ thể, hầu hết các đơn vị đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh giảm lãi suất đều tập trung ở khối NHTM Nhà nước, như: Chi nhánh NH Ngoại thương Dak Lak, Chi nhánh NH Công thương Dak Lak, Chi nhánh NH ĐT&PT Bắc Dak Lak, Chi nhánh NH ĐT&PT Dak Lak, Chi nhánh NH ĐT&PT Đông Dak Lak. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 9.120 tỷ đồng đã được điều chỉnh lãi suất về mức tối đa 15%/năm nêu trên, chủ yếu là dư nợ của các NH này. Số NH còn lại, đa phần là NHTM cổ phần cũng có thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất, nhưng không đáng kể, thậm chí là chỉ làm chiếu lệ.
Thực tế đã xảy ra trường hợp, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc điều chỉnh giảm lãi suất, doanh nghiệp (DN) làm văn bản đề nghị một chi nhánh NHTM cổ phần điều chỉnh giảm lãi suất đối với khoảng vay của DN mình nhưng chỉ được chi nhánh này giảm từ mức lãi suất 18,5%/năm xuống 18%/năm chứ không giảm xuống mức tối đa 15%/năm như chỉ đạo của Thống đốc (?!) Cũng có chi nhánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ nhưng yêu cầu ưu tiên xem xét cho khách hàng có uy tín, quan hệ truyền thống. Lý do mà các NH này đưa ra để biện minh cho việc chậm điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ là số vốn huy động lãi suất cao trước đó chưa cho vay hết; khách hàng vay vốn không vì mục đích sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nguồn trả nợ từ lương; vay cầm cố giấy tờ có giá; vay trung dài hạn… không thuộc đối tượng điều chỉnh hạ lãi suất về mức tối đa 15%/năm.
Cũng cần nhắc lại, tại Thông báo số 198, Thống đốc NHNN yêu cầu rất rõ rằng, TCTD đánh giá, rà soát dư nợ các khoản vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15%/năm để giúp DN và hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh. Chậm nhất đến 15-7-2012, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc. Điều này cho thấy, Thông báo 198 không loại trừ các khoản vay trung dài hạn, tiêu dùng… ra khỏi đối tượng được điều chỉnh giảm lãi suất, nên việc các TCTD không thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay này là không phù hợp, trái với tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Nóng lòng với tiến độ thực hiện của các TCTD trên địa bàn, hiện tại Chi nhánh NHNN tỉnh một mặt tập trung cho công tác thanh tra, một mặt làm việc trực tiếp với các TCTD để kiểm tra và đôn đốc các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay vốn, điều chỉnh hạ lãi suất các khoản vay cũ. Được biết, liên quan đến việc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm, các TCTD đã có kế hoạch tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho gần 33.550 khách hàng, với tổng dư nợ dự kiến khoảng 5.400 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch này, số dư nợ có lãi suất cho vay trên 15%/năm cũng còn trên 2.800 tỷ đồng, đây là một con số không nhỏ so với tổng số vốn mà khách hàng đã vay từ các TCTD tính đến thời điểm hiện tại.
Trong điều kiện hiện nay, việc hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm là việc làm có ý nghĩa, giúp khách hàng nói chung, DN nói riêng giảm bớt chi phí vốn, có thêm “sức” vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, nếu việc này không được đẩy nhanh tiến độ thì ý nghĩa của nó cũng sẽ giảm đi đáng kể. Chưa hết, quan hệ giữa NH với DN và ngược lại lâu nay được xem là “bạn đồng hành” nhưng nay DN gặp khó khăn, NH lại “ngó lơ” không nhiệt tình hỗ trợ thì vấn đề đạo lý trong kinh doanh của một số NH cố tình phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Thống đốc cũng cần phải xem lại.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc