Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng đàn bò thịt

15:16, 04/09/2012

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, phụ phẩm trồng trọt dồi dào, chăn nuôi bò đang là thế mạnh của Dak Lak, trong đó bò lai được tỉnh xác định là vật nuôi trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn nữa thì cần đẩy mạnh việc liên kết để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho đàn bò, nhất là bò thịt.

Mô hình thí điểm phát triển bò lai chất lượng cao ở huyện Ea Kar.
Mô hình thí điểm phát triển bò lai chất lượng cao ở huyện Ea Kar.

Nhiều lợi thế... nhưng chưa được phát huy

Có thể thấy Dak Lak là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò. Với nhiều cánh đồng cỏ tự nhiên dưới tán rừng và diện tích đất đai rộng lớn màu mỡ thuận lợi cho việc trồng cỏ, cùng một hệ thống các phế, phụ phẩm nông nghiệp có thể tận dụng như: rơm, thân cây ngô, xơ mít, quả điều.... và lực lượng lao động tại chỗ dồi dào. Chính là lợi thế để phát triển chăn nuôi bò. Minh chứng cho điều này là số lượng bò của tỉnh tăng đều qua các năm, với tổng đàn trên dưới 200.000 con, tỷ lệ bò lai chiếm gần 30%; tập trung ở các huyện M’Drak, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Súp…, với hình thức chăn nuôi nông hộ và một số ít trang trại, góp phần đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống cho các hộ nghèo tại địa phương. Đáng chú ý hơn, nhiều địa phương đã hình thành được mô hình vỗ béo bò như một số xã ở huyện Ea Kar đã tạo thêm giá trị gia tăng cho đàn bò, nhất là bò thịt, nâng cao thu nhập cho các nông hộ, ở thời điểm này, sau khi trừ chi phí, bình quân một con bò nuôi vỗ béo (từ 3-6 tháng) sẽ cho lợi nhuận từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng. Bên cạnh phát triển về số lượng thì chất lượng đàn bò cũng được ngành chăn nuôi tỉnh quan tâm đầu tư với mục tiêu đến 2015, tỷ lệ bò lai cả tỉnh đạt 40%, theo đó,  những năm qua, Dak Lak đã tập trung cải tạo đàn bò địa phương năng suất thấp thông qua dự án thụ tinh nhân tạo từ bò đực giống Zêbu, đồng thời xây dựng các mô hình trồng cỏ nuôi bò tạo nguồn thức ăn cho đàn bò lai.

Mặc dù chăn nuôi bò đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, nhưng  ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh trong các nông hộ với quy mô phổ biến từ 1-5 con nên việc tiêm phòng bệnh chưa được chú ý, còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn trong tự nhiên. Tỷ lệ bò lai vẫn chưa cao, giống bò chủ yếu là bò vàng, lai sind có tầm vóc nhỏ, trọng lượng thấp, bình quân bò cái trưởng thành có trọng lượng từ 180 đến 220 kg và 230 - 270 kg/con ở bò đực, tỷ lệ thịt xẻ 30%, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thịt. Trong khi đó tiềm năng thị trường rất lớn, giá cả ổn định nhưng mức độ đáp ứng của bò Dak Lak cả về số lượng và chất lượng đều thấp, phần lớn bò có nguồn gốc từ Dak Lak không đủ tiêu chuẩn để bán vào các lò mổ tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Bên cạnh đó, việc liên kết ngang giữa các nhà sản xuất gần như không có, liên kết dọc giữa người sản xuất, thị trường và người tiêu thụ mới chỉ xuất hiện ở một số mô hình vỗ béo bò, nhưng hiệu quả chưa cao, hợp tác 4 nhà kém hiệu quả…

Cần có sự liên kết

Lời giải cho vấn đề nâng cao chất lượng đàn bò thịt, phát triển nghề nuôi bò thịt thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, trước hết phải có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các nhà với nhau để bổ trợ cho nhau trong việc chăm sóc, lai tạo giống và tìm đầu ra ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar: nếu tạo được sự liên kết chặt chẽ thì sẽ mở rộng được quy mô sản xuất, dần xóa đi tập quán chăn thả rông, theo đó công tác thú y, lựa chọn con giống, nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc sẽ được quan tâm đầu tư bài bản hơn. Không những vậy, vấn đề đầu ra sẽ ổn định hơn, bởi người dân đã tiếp cận được thông tin thị trường, biết cách tạo ra những sản phẩm mà thị trường cần… Nhờ vậy, sẽ kéo theo chất lượng đàn bò được nâng lên và thu nhập của người dân cũng cao hơn.

Từ năm 2005, huyện Ea Kar đã chú trọng liên kết trong chăn nuôi, trên địa bàn huyện đã hình thành được mô hình liên kết giữa thương lái với các hộ chăn nuôi và Trạm khuyến nông, theo đó thương lái đầu tư con giống cho hộ nông dân và chia lợi nhuận theo thỏa thuận hai bên; cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các hộ nông dân. Nhờ vậy, chăn nuôi bò trên địa bàn huyện nhanh chóng phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên hỗ trợ kỹ thuật và lập các mô hình trồng cỏ nuôi bò, đồng thời triển khai các chương trình cải tạo chất lượng đàn bò thịt như: “Zê bu hóa đàn bò”,

nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần với bò cái nền địa phương … đạt hiệu quả cao. Qua đó, tỷ lệ bò lai của huyện đến nay đã đạt gần 70% trong tổng đàn, Ea Kar đã xây dựng được thương hiệu “bò thịt Ea Kar”. Mới đây, được sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) Dak Lak, Liên minh sản xuất bò thịt bền vững đã được thành lập với sự tham gia của 106 hộ chăn nuôi bò ở 6 xã của huyện Ea Kar (gồm Ea Kmut, Ea Đar, Xuân Phú, Ea Ô, Ea Pal và Chư Nil) với Công ty TNHH Khánh Xuân. Sự ra đời của liên minh này sẽ là bước đệm cho việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm mang thương hiệu “bò thịt Ea Kar”.

Liên kết là con đường ngắn để đi đến đích trong việc nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Vấn đề còn lại là liên kết như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất thì cần phải có những chính sách đầu tư đồng bộ nhằm phát huy hết tiềm năng vốn có của ngành chăn nuôi Dak Lak.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.