Khuyến công hỗ trợ quy hoạch cụm công nghiệp cho những vùng kinh tế khó khăn
Trong những năm qua, các khu, cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư xây dựng đã góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển. Với sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công trong công tác quy hoạch đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thành lập các CCN trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn…
Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Huyện Krông Năng là một trong những vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến cà phê, cao su, ngô… Phát triển công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu có sẵn là một trong những định hướng mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Trong danh mục các CCN quy hoạch đến năm 2015 có CCN ở Krông Năng, nhưng vẫn chưa được thành lập trong khi đây là một trong những huyện có sản lượng lớn các loại nông sản: cà phê (40-50 ngàn tấn/năm), cao su (khoảng 4.000 tấn/năm). Những năm qua, trên địa bàn huyện cũng có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu về các dự án chế biến nông sản, phân vi sinh nhưng do thiếu mặt bằng cũng như điểm quy hoạch hợp lý nên Krông Năng chưa thu hút được các nhà đầu tư. Việc quy hoạch xây dựng CCN Ea Dăh được xem là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm quỹ đất cho nhu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, nhưng do điều kiện còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư xây dựng CCN chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Được sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Khuyến công quốc gia, đến nay CCN Ea Dăh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết với diện tích 50 ha, có vị trí giao thông khá thuận lợi, được xác định là CCN đa ngành, phù hợp với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào và ngành nghề chế biến cà phê, cao su, tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột (ngô, sắn, khoai lang), thức ăn gia súc; dịch vụ cơ khí; phân bón hữu cơ vi sinh… Sự ra đời của CCN được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa tại địa phương cũng như trong việc di dời các cơ sở chế biến gây ô nhiễm môi trường, gần khu dân cư vào đây.
Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh, từ năm 2010, nhận thấy việc hỗ trợ một phần kinh phí cho xây dựng quy hoạch chi tiết các CCN trên địa bàn tỉnh mang lại những kết quả thiết thực, từ quỹ khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng quy hoạch chi tiết cho 3 CCN gồm: Phước An ( Krông Pak), Ea Lê (Ea Súp) và Ea Dăh (Krông Năng), với tổng kinh phí 900 triệu đồng. Từ đó đã giúp các CCN nhiều địa phương, nhất là các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhanh chóng được định hình. Đơn cử như địa bàn Ea Súp, là huyện biên giới nên các điều kiện để hình thành CCN gặp nhiều trở ngại hơn các địa phương khác, trong khi đó nhu cầu xây dựng một CCN để di dời các cơ sở chế biến gỗ là cấp thiết. Được sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ khuyến công quốc gia, CCN Ea Lê đã sớm hoàn thiện về quy hoạch chi tiết, đến nay đang chuẩn bị cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch để các cơ sở chế biến lâm sản di dời vào đây theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, với kinh phí cho mỗi CCN thành lập mới khoảng 300 triệu đồng, chỉ mang tính hỗ trợ bước đầu, để các CCN trở thành các trung tâm công nghiệp, thu hút đầu tư thì các địa phương cần đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc