Làm thủy điện ở Tây Nguyên: Được và mất
Trên lưu vực các dòng sông Sê San, Sêrêpôk, Sông Ba, Đồng Nai, Vu Gia và Thu Bồn… có khởi nguồn từ Tây Nguyên vốn có tiềm năng thủy điện lớn nhất nước ta. Việc quy hoạch và xây dựng bậc thang thủy điện trên các dòng sông này đã đóng góp một nguồn điện đáng kể cho lưới điện quốc gia, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho Tây Nguyên cũng như cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, việc làm thủy điện ở đây còn bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của Nhà máy Thủy điện Krông K’ma (Krông Bông - Dak Lak) được đầu tư trở lại cho công tác QLBV rừng Cư Yang Sin. |
Được...
Thủy điện được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá thành điện năng rẻ hơn so với các nguồn điện khác. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ) góp phần đáng kể vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các tỉnh ở Tây Nguyên có cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, chưa kể, quá trình đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các DATĐ tại khu vực này cũng tạo ra nhiều việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ.
Song song với việc đầu tư xây dựng các DATĐ ở Tây Nguyên, hệ thống cơ sở hạ tầng (điện-đường-trường-trạm) trong khu vực có điều kiện nâng cấp, phát triển. Tại các khu tái định cư của các tỉnh Dak Lak, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Dak Nông đã được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà cửa, trụ sở làm việc, các công trình công cộng, hệ thống cấp điện, nước và giao thông khá kiên cố và đồng bộ, tạo nên sự khởi sắc cho bộ mặt nông thôn miền núi. Ngoài ra, việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án theo chính sách hiện hành của Nhà nước cũng tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo Tây Nguyên: hiện nay các DATĐ đang vận hành trên địa bàn Tây Nguyên đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện quốc gia. Hàng năm các nhà máy thủy điện nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế VAT, 470 tỷ đồng thuế tài nguyên nước và 360 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn thu đáng kể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đơn cử như Dak Lak, qua áp dụng thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380/QĐ của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm (2011-2012) đã thu được từ các nhà máy thủy điện gần 100 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, Dak Lak đã có điều kiện nâng định mức khoán bảo vệ rừng trên địa bàn cho các hộ dân lên 10-11 triệu đồng/ha/năm (trước đây khoảng 2,8-3 triệu đồng/ha/năm) góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Và một khi định mức khoán bảo vệ rừng được nâng lên thì công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên các lưu vực sông Sêrêpôk, Ea H’leo, Krông Nô… của Dak Lak nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung được chú trọng hơn. Đó là chưa kể nhờ nguồn thu thuế tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường rừng nói trên được đầu tư trở lại cho rừng đã giúp các địa phương giảm chi ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng để dành nguồn lực tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn vươn lên, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệnh về thu nhập cũng như mức hưởng thụ văn hóa, xã hội giữa nông thôn và thành thị.
Mặt khác, các hồ chứa thủy điện lớn ở Tây Nguyên với tổng dung tích hữu ích hơn 6 tỷ m3 đã góp phần chủ động điều tiết, bổ sung lưu lượng nước về mùa khô và tham gia cắt lũ vào mùa mưa để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ du. Trong thời gian qua, các hồ chứa thủy điện Plei Krông, Ya Ly, Sê San 4 (tỉnh Gia Lai), Ka Nak, Đồng Nai 3, Đa Nhim (Lâm Đồng) và Buôn Tua Sra (Dak Lak) đã góp phần cắt lũ hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Chưa kể, có hồ chứa thủy điện còn kết hợp với hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản để tăng nguồn thu cho địa phương. Hơn thế, những khu vực dọc theo các hồ chứa thủy điện đã dần hình thành các tiểu vùng khí hậu có độ ẩm cao, mực nước ngầm được phục hồi và gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp và từng bước cải thiện tích cực môi trường và hệ sinh thái.
Có thể nói, việc quy hoạch và xây dựng các DATĐ trên địa bàn Tây Nguyên đã mang lại những hiệu quả kinh tế-xã hội nhất định. Từ đó đã góp phần đánh thức tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng của vùng đất này, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu hộ dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa có cơ hội thay đổi cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển kinh tế để làm giàu cho chính mình và quê hương. Tuy nhiên, những hệ lụy khác nảy sinh từ thủy điện cũng đang là một thách thức đặt ra…
Trên địa bàn Tây Nguyên hiện có 287 DATĐ với tổng công suất 6.991,8 MW đã được phê duyệt và xây dựng. Đến nay đã đưa vào vận hành, khai thác 84 dự án có tổng công suất 4.768,3 MW. Đang tiếp tục xây dựng 50 dự án với tổng công suất 1.021,9 MW (dự kiến hoàn thành trước năm 2015) và 87 dự án nghiên cứu để đầu tư xây dựng. Còn lại 66 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất hơn 201 MW chưa cho phép đầu tư.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc