Sớm có giải pháp hiệu quả xử lý hàng tồn kho và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp vừa được UBND tỉnh phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Dak Lak tổ chức hồi đầu tháng 8-2012, hầu hết các DN tham dự đều đề nghị Nhà nước cần có giải pháp hiệu quả hơn trong việc xử lý 2 điểm nghẽn lớn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đó là tăng trưởng tín dụng thấp và hàng tồn kho lớn.
Đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn xây dựng cũng là biện pháp hiệu quả hỗ trợ DN ngành xây dựng vượt qua khó khăn (ảnh minh họa). |
Về tín dụng, tính đến tháng 8-2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt khoảng 30.791 tỷ đồng, giảm 0,5% so với tháng trước, giảm 3,3% so với đầu năm. Việc dư nợ tín dụng giảm trong thời gian dài là hiện tượng hiếm thấy của nhiều năm qua. Nguyên nhân tín dụng không tăng trưởng chủ yếu do khách hàng hoạt động tốt không muốn vay với mức lãi suất hiện tại, có tâm lý chờ giảm lãi suất nữa mới vay. Còn đối với những khách hàng làm ăn kém hiệu quả không được vay do không đáp ứng được các điều kiện vay và NH lo ngại nợ xấu gia tăng. Điểm nghẽn thứ hai là tồn kho. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng do giá đầu vào cao, sức mua giảm. Còn giám đốc một DN tư nhân chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết: từ đầu năm đến nay, sức mua liên tục giảm khiến hàng hóa sản xuất ra chất thành đống, không tiêu thụ được. Nhìn chung, tồn kho cao xảy ra ở hầu hết các sản phẩm, các ngành, từ lương thực, thực phẩm đến sản phẩm công nghiệp, xây dựng, thương mại, thậm chí cả vốn ở NH. Tồn kho cao do đầu tư, sản xuất kinh doanh co lại; do thu nhập của một bộ phận dân cư bị sụt giảm, do mất hoặc thiếu việc làm khi DN ngừng sản xuất, phá sản, giải thể.
Đã có khá nhiều giải pháp tháo gỡ, xử lý các điểm nghẽn trên. Chẳng hạn như việc gia hạn 6 tháng thời hạn nộp VAT; giảm 50% tiền thuế đất phải nộp; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập DN; gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất; giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012; đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư; hạ trần lãi suất huy động về 9%/năm; đưa lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên về mức 13%/năm trở xuống và vận động các NH giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm… đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển. Tuy nhiên, ngoài các giải pháp trên, cộng đồng DN cho rằng cần triển khai tích cực giải pháp xử lý điểm nghẽn thứ nhất bằng việc giải quyết nợ xấu một cách khẩn trương, với nguồn vốn chủ yếu từ sự đóng góp của các NH, sự tham gia của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. “Trong bối cảnh hiện tại, NH cần có cơ chế cho vay linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, có thể xem xét dùng hàng tồn kho để làm tài sản bảo đảm tiền vay hoặc cho vay tín chấp chứ không nên cứng nhắc theo kiểu không có tài sản thế chấp thì không cho vay” - giám đốc một DN bày tỏ. Đối với điểm nghẽn thứ hai, cần áp dụng nhiều giải pháp như giảm thuế giá trị gia tăng trên mỗi hóa đơn bán lẻ, giảm thuế thu nhập cá nhân để tăng khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư, áp dụng biện pháp tín dụng tiêu dùng với lãi suất tương đối hợp lý để người có nhu cầu tiêu dùng mua sắm. Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đối với các công trình xây dựng cơ bản, qua đó, sẽ vừa góp phần giảm tồn kho vật liệu xây dựng, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, kích thích sức mua.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc