Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp: Đâu là giải pháp?
Tính đến cuối tháng 8-2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt gần 17.500 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm, trong khi đó tổng dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ trên 30.790 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với đầu năm
Vốn giá rẻ cũng... ế!
Trong mấy tháng gần đây, các ngân hàng (NH) liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp so với mức bình quân trên thị trường. Một trong những NH có nhiều gói tín dụng lãi suất rẻ là Chi nhánh NH ĐT&PT Dak Lak (BIDV Dak Lak). Từ đầu năm đến nay, NH này đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, và hiện tại NH này đang cho vay ngắn hạn với lãi suất sàn 9%/năm theo chương trình dành 10.000 tỷ đồng mà BIDV Việt Nam đã triển khai vào cuối tháng 8 vừa qua. Khi được vay vốn theo chương trình này, khách hàng sẽ được áp dụng mức lãi suất thấp nhất là 9%/năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đến cuối năm 2012. Sau thời hạn này, lãi suất sẽ được áp dụng theo cơ chế lãi suất thông thường tại thời điểm đó. Cùng với BIDV, nhiều NH khác cũng “tung” ra thị trường nhiều chương trình cho vay ưu đãi. Chẳng hạn NH Công thương (Vietinbank) có chương trình “Tín dụng phát triển cùng doanh nghiệp”, dành 10.000 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất chỉ từ 8,95%/năm; thời hạn vay tối đa 12 tháng. Theo chương trình này, đối với các khoản vay thả nổi, lãi suất cho vay tối thiểu của kỳ đầu tiên là 8,95%/năm cho khoản vay có tần suất điều chỉnh lãi suất 1 tháng/lần; 9,5%/năm đối với khoản vay điều chỉnh lãi suất 2 tháng/lần và 10%/năm cho khoản vay điều chỉnh lãi suất 3 tháng/lần. Đối với khoản vay cố định, lãi suất là 8,95% cho khoản vay kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 2 tháng lãi suất 9,5%/năm và kỳ hạn 3 tháng lãi suất là 10%/năm. Tương tự, NH Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) có chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với tổng hạn mức tín dụng 2.000 tỷ đồng, kéo dài đến hết năm 2012. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà để ở hoặc bổ sung vốn kinh doanh là 8,6%/năm trong 3 tháng đầu tiên; đối với khách hàng DN vay vốn bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, lãi suất thấp nhất là 9%/năm… Hiện tại, lãi suất huy động vốn đồng Việt Nam kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng đang được các TCTD trên địa bàn áp dụng phổ biến là 9%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 11%-12%/năm. Như vậy, có thể thấy rằng mức lãi suất cho vay của các gói tín dụng nêu trên là khá rẻ, vì có những khoản vay lãi suất còn thấp hơn cả lãi suất huy động.
Khách hàng giao dịch tại NH Phương Nam, Chi nhánh Dak Lak. |
Lãnh đạo một số NH cho biết: mục tiêu triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi là nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng nói chung, DN nói riêng; đồng thời nhằm giải quyết lượng vốn tồn đọng khó giải ngân trong thời gian qua. Không chỉ liên tục hạ lãi suất cho vay, nhiều NH còn giao cán bộ phụ trách tăng cường gặp gỡ trực tiếp khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đang có quan hệ vay vốn để tìm hiểu nhu cầu vốn, phát triển tín dụng; chủ động tìm khách hàng tốt, dự án hiệu quả để giải ngân thay vì ngồi chờ khách hàng tìm đến như trước đây. Dù vậy, việc tăng trưởng tín dụng cũng hết sức khó khăn. Số khách hàng đủ điều kiện, có thể được NH xem xét cho vay thì không có nhu cầu vay hoặc đang chần chừ chờ lãi suất giảm thêm. Ngược lại, số khách hàng sẵn sàng vay, bất kể lãi suất cao hay thấp thì NH lại không thể cho vay do khách hàng không bảo đảm các điều kiện cần thiết, như: dự án, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi, tình hình tài chính thiếu minh bạch, đang còn nợ xấu ở các TCTD khác…
Làm gì để giúp DN vay vốn?
Tính đến cuối tháng 8-2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn đạt hơn 30.790 tỷ đồng, so với tháng 7-2012, dư nợ tiếp tục giảm 0,5%, tương đương 146 tỷ đồng và so với đầu năm 2012, dư nợ giảm 3,3%, tương đương 1.054 tỷ đồng. Nhìn chung, dư nợ cho vay giảm đều hết ở các ngành nghề, lĩnh vực, chỉ có một số ngành nghề ưu tiên có tăng trưởng nhưng cũng không đáng kể. Thật ra, nếu lấy dư nợ của tháng 8-2012 để khẳng định tín dụng trên địa bàn không tăng trưởng thì cũng chưa thật chính xác, bởi lẽ dư nợ cho vay trên địa bàn mang tính mùa vụ rất cao, thông thường giảm mạnh vào quý III và sau đó sẽ tăng trưởng trở lại vào quý IV. Song, tổng hợp tình hình của 8 tháng đầu năm cho thấy dư nợ tín dụng năm nay tăng trưởng rất… ì ạch, nếu không nói là liên tục giảm. Tín dụng tăng thấp, dự báo khả năng mở rộng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời tiếp tục khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chính vì lẽ đó, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Chi nhánh NHNN Dak Lak đã có ít nhất 4 buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo của các TCTD trên địa bàn nhằm bàn bạc, tìm giải pháp tăng trưởng tín dụng, đưa vốn ra phục vụ nền kinh tế. Cùng với đó, đơn vị này còn gửi văn bản cho tổng giám đốc các NH có chi nhánh trên địa bàn, đề nghị quan tâm hạ lãi suất cho vay (đối với các khoản vay cũ lẫn mới), xây dựng và triển khai các giải pháp đẩy mạnh cho vay tại Dak Lak. Phía các chi nhánh NH cũng cho biết họ đã và đang tìm biện pháp để “bơm” vốn ra nền kinh tế. Bởi lẽ, nếu không tăng trưởng tín dụng được, NH sẽ là người “gánh” hậu quả đầu tiên do không thực hiện được mục tiêu lợi nhuận, thị phần… đã đề ra từ đầu năm. Dù vậy, họ vẫn không thể cho vay bằng mọi giá, nghĩa là không thể “nhắm mắt” ký cho vay một khi đã thấy được rủi ro của món vay.
Nhiều người đề nghị: để chấm dứt tình trạng NH và DN liên tục đổ lỗi cho nhau, đồng thời sớm có giải pháp đưa vốn ra nền kinh tế, rất cần có sự tham gia với vai trò “cầm trịch” của UBND tỉnh và Chi nhánh NHNN Dak Lak. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, hiệp hội ngành nghề rà soát, đánh giá chi tiết tình hình sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn của DN, hội viên; lập danh sách những DN gặp khó khăn hoặc không tiếp cận được vốn ngân hàng… Khi đã có trong tay thông tin này, UBND tỉnh phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa các NH với DN trên địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố để qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời giúp NH và DN xây dựng quan hệ bạn hàng, ký kết hợp đồng tín dụng với nhau. Đây là cách làm đã được một số tỉnh, thành triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả rất cao với nhiều hợp đồng tín dụng được ký kết.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc