Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao: Vẫn còn nhiều nỗi lo!

21:27, 02/10/2012

Sau nhiều năm thực hiện chính sách giảm nghèo, Dak Lak cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra, số hộ nghèo giảm từ 20,82% năm 2010 xuống còn 17,39% năm 2011, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nguời nghèo. Tuy nhiên, đến nay Dak Lak vẫn là tỉnh có tỷ lệ nghèo cao trên cả nước, trong đó có 16 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Đây là thách thức lớn đối với Dak Lak trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững.

Còn nhiều thách thức

Theo số liệu khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đến nay Dak Lak vẫn còn 16 xã thuộc 7 huyện là: Krông Na, Ea Huar, Ea Wer (huyện Buôn Đôn), Cư Prông, Cư Bông, Cư Elang (Ea Kar), Ia Lốp, Ia R’vê, Cư Kbang (Ea Súp), Yang Mao (Krông Bông), Ea Sin (Krông Buk), Ea Yiêng (Krông Pak), Dak Nuê, Dak Phơi, Nam Kar, Ea Rbin (Lak) có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Số hộ nghèo của 16 xã là 11.711 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chung là 62,40%, trong đó 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 80% là Ia Lốp (82,61%), Ea Yiêng (80,08%). Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số so với tổng số hộ nghèo của 16 xã chiếm 75,20% (có 6 xã trên 90%); có 21 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 90%, đặc biệt có 3 buôn có tỷ lệ hộ nghèo 100% thuộc các xã Cư Prông, Cư Bông, Cư Elang của huyện Ea Kar. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hộ nghèo cao, trước hết là do vị trí địa lý của các xã cách xa trung tâm huyện, đất đai cằn cỗi bạc màu, thường xuyên bị thiên tai, trong khi thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân; tình trạng dân di cư tự do vẫn tiếp diễn dẫn đến thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm…Ngoài yếu tố khách quan còn có nguyên nhân sâu xa, đó là qui mô hộ gia đình lớn, sinh nhiều con (đa phần từ 5-6 con), tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm cao, trình độ dân trí thấp, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, kế hoạch làm ăn chi tiêu trong gia đình không hợp lý… Đơn cử như xã Ea Yiêng, bình quân mỗi hộ có từ 5-6 con, có rất nhiều hộ sinh đến 9-10 con, trong khi đất đai thì bạc màu (chủ yếu là đất đồi trồng ngô, mì và ruộng lúa một vụ) hầu hết phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất thấp, vốn đầu tư sản xuất không có, trình độ canh tác cũng không… trong khi kinh tế của các hộ hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên tình trạng đói nghèo triền miên cũng là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, ở một số nơi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chương trình giảm nghèo của cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, sâu sát. Năng lực, trình độ của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, kiến thức quản lý và kỹ năng tổ chức thực hiện; còn xảy ra tình trạng quá nhiều chính sách hỗ trợ trên một địa bàn dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, mục tiêu, nội dung hỗ trợ làm phân tán nguồn lực, quản lý phức tạp… cũng khiến việc giảm nghèo ở các xã gặp nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật đến những xã nghèo  là một trong những biện pháp thực hiện giảm nghèo.
Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật đến những xã nghèo là một trong những biện pháp thực hiện giảm nghèo.

Các biện pháp cấp bách

Tại cuộc họp bàn về các biện pháp giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% hồi giữa tháng 8-2012, đa số các đại biểu cho rằng, để kéo tỷ lệ hộ nghèo các xã nói trên xuống dưới 50% trong năm 2012 không phải là chuyện dễ thực hiện, nhất là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Do vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ chính sách, vốn đến con người. Theo ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cần khảo sát thêm về chính sách an sinh xã hội, ngành nghề nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để có giải pháp phù hợp với từng địa phương. Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lốp là ông Phi La Son: bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thì cần tăng mức vốn vay cho các hộ nghèo phù hợp với tình hình thực tế, để họ đầu tư sản xuất có hiệu quả hơn. Cuộc họp cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông thủy lợi, trường học, trạm y tế… trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để chuyển đổi ruộng lúa 1 vụ thành 2-3 vụ; đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ gia đình; chú ý đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp; tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo vay với mức vay và thời gian cho vay phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình… Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư yêu cầu các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt, nghiêm túc công tác giảm nghèo bền vững tại địa bàn; Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo của tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ cho 16 xã nêu trên. Về lâu dài, cần xây dựng đề án về giảm nghèo tại các địa phương trong đó chú ý phân tích rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp phù hợp, từ đó mới huy động sức mạnh của toàn dân để thực hiện giảm nghèo.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.