Về đâu làng nghề nhung nai Châu Sơn?
Làng nghề Châu Sơn (thôn 2, thôn 3 xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) lâu nay vốn nổi tiếng với nghề nuôi nai và làm giàu từ nai. Trước kia, nhung nai chưa đến ngày thu hoạch đã có thương nhân giữ mối đặt cọc, nhưng nay nhung nai cắt xong không ai mua, người dân phải cất giữ trong tủ lạnh.
Đây là cặp nhung nai lớn nhất từ trước đến nay của gia đình ông Mai Như Hà ở thôn 2 đã đến ngày cắt nhưng vẫn chưa buồn cắt vì giá quá thấp. |
Nhắc đến Cư Êbur là người ta nghĩ ngay đến làng nghề Châu Sơn với hàng chục hộ xây được nhà tiền tỷ nhờ bán nhung nai. Nghề nuôi nai ở Châu Sơn xuất hiện sau ngày đất nước thống nhất, khi người dân từ miền Bắc vào lập nghiệp và dần trở thành nghề chính của người dân nơi đây. Ngày trước, con nai là một trong những món quà làm của hồi môn của bố mẹ dành cho các cặp vợ chồng trẻ. Nai là con vật dễ tính, có sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cùi ngô, lá cây xanh…, chỉ trong thời gian sinh sản hoặc thời kỳ mọc nhung, cắt nhung mới phải bồi dưỡng bột ngô, bột đậu xanh, quả mít non… nên chi phí đầu tư ít. Nai đực nếu chăm sóc tốt mỗi năm thu hoạch được 2 đợt nhung với trọng lượng nhung từ 2-4kg/con, tương đương 40-50 triệu đồng. Nai cái mỗi năm sinh sản một con; nai con sau 3 tháng chăm sóc thì bán được với giá từ 35 - 40 triệu đồng/con. Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế cao, rất nhiều hộ gia đình ở đây đã nuôi và đàn nai không chỉ phát triển mạnh ở Châu Sơn mà còn lan rộng ra các thôn, buôn khác của xã Cư Êbur. Ông Nguyễn Trọng Khánh ở thôn 2 cho biết: Sản phẩm nhung nai có tác dụng tốt cho sức khỏe và được nhiều người mua làm thuốc, làm quà biếu, do đó giá nhung nai rất cao, có thời điểm lên tới 10-15 triệu đồng/kg. Với đàn nai 4 con, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, phân nai ủ làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây cà phê rất tốt; cũng nhờ thế mà cây cà phê của gia đình ông và các hộ dân khác ở đây mới tồn tại và phát triển, từ đó mà cuộc sống trở nên khấm khá như ngày hôm nay…
Không bán được, gia đình ông Nguyễn Thế Nhân (bên phải) đành phải bảo quản cặp nhung nai trong ngăn đá tủ lạnh. |
Theo Hội Nông dân xã Cư Êbur thì hiện trên địa bàn xã có khoảng 2.500 con nai. Tuy nhiên khoảng gần một năm nay, nhung nai rớt giá thê thảm khiến người nuôi không còn mấy mặn mà với nghề này. Cái cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán như xưa không còn, thay vào đó là không khí vắng vẻ vì chẳng mấy người đến mua nhung. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay giá nhung nai trong dân bình quân 3-4 triệu đồng/kg, chỉ bằng 1/3 giá nhung thời điểm này năm ngoái. “Nai đực đến ngày vẫn phải cắt nhung nhưng không có ai mua nên phải bảo quản trong tủ lạnh. Nai con không bán được phải làm thêm chuồng để nuôi”, ông Nguyễn Thế Nhân chủ đàn nai 10 con ở thôn 2 than thở. Những năm trước, với đàn nai này gia đình ông có thể thu về 300-400 triệu đồng/năm nhưng bây giờ thì một cặp nhung cắt ra để tủ lạnh gần 1 tháng rồi mà vẫn chưa có người hỏi mua, những con còn lại trong chuồng cũng sắp tới ngày cắt nhung nhưng chưa biết phải làm như thế nào. Cầm cặp nhung trên tay, ông Nhân ngán ngẩm: “Trước đây, cặp nhung 2,5 kg này có thể bán được vài chục triệu cho đứa cháu nhập học đại học, nhưng nay không biết nó còn ở tủ lạnh đến bao giờ. Nếu bán không được thì mình ngâm rượu hoặc xắt lát để…nấu cháo ăn, nhưng là thuốc bổ ăn vậy phí lắm mà có dùng cũng không hết…”. Tương tự, gia đình ông Trần Toàn (thôn 3) cũng nuôi nai từ những năm 1985 và hiện có đàn nai 4 con đang thời kỳ thu hoạch. Ông Toàn cho biết: Ngày xưa nuôi nai thương lái tới đặt cọc trước ngày cắt nhung vài tuần, nhưng nay hai cặp nhung của gia đình để tủ lạnh hơn 2 tháng rồi mà vẫn chưa ai hỏi mua. Chưa bao giờ nhung nai lại rớt giá, không người mua như vậy. Hay những gia đình mới nuôi gần đây cũng trong tình trạng “khóc dở, mếu dở” như gia đình ông Mai Như Hà (thôn 2). Ông Hà bén nghề từ năm 1996 và mới học được kỹ thuật chăm sóc nai giai đoạn nuôi sừng hai năm nay để có sản phẩm nhung lớn, đạt chất lượng cao bình quân mỗi cặp 4-5 kg. Hiện nay gia đình ông có nuôi hai nai đực và hai nai con. Niềm vui vì học được kỹ thuật chăm sóc nai tốt, nâng cao chất lượng nhung chưa được bao lâu thì nay nhung nai rớt giá, nai sắp đến ngày cắt nhung mà vẫn chưa có ai hỏi thăm gì cũng làm ông rất buồn phiền.
Bà Đoàn Uyên Thao, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Hoàng Quyến chuyên kinh doanh nhung nai cho biết: “Doanh nghiệp đã được Nhà nước cho phép xây dưng thương hiệu “Nhung nai Cư Êbur”, hiện đã được cơ quan chức năng công nhận và bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn còn ít người biết đến nên tiêu thụ vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu. Một khó khăn nữa là nhung nai thường bán tươi, trong khi người dân ở đây vẫn chỉ bán theo kiểu truyền thống là bán cho các thương lái đem đi các nơi tiêu thụ vì không thể để lâu, do đó, giá cả rất bấp bênh”.
Vấn đề đặt ra với nhung nai Cư Êbur là phải xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài và có cơ chế hỗ trợ cho người nông dân để thương hiệu nhung nai Cư Êbur có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Nếu không thì làng nghề nổi tiếng này sẽ không biết đi về đâu?
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc