Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak hoàn toàn có thể chủ động được giống lúa lai

14:01, 13/10/2012

Hằng năm Việt Nam sản xuất khoảng 3.500-4.000 tấn hạt giống lúa lai F1, mới chỉ đáp ứng được 20-25% tổng nhu cầu hạt giống để gieo trồng trên diện tích ước 600 nghìn ha lúa lai mỗi năm. Chính vì vậy việc tuyển chọn, hoàn thiện quy trình sản xuất giống, thâm canh lúa lai thương phẩm và mở rộng diện tích gieo trồng các loại giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt là ngay tại địa phương là hết sức cần thiết.

Nông dân đang tham quan một mô hình sản xuất giống lúa lai  tại huyện Cư M’gar.
Nông dân đang tham quan một mô hình sản xuất giống lúa lai tại huyện Cư M’gar.

Tại Dak Lak, giống lúa lai đã được đưa vào sản xuất từ năm 1995 và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Năng suất lúa lai đạt trên 7 tấn/ha, nhiều vùng còn có thể đạt đến trên 10 tấn/ha qua đó góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa chung của toàn tỉnh. Dak Lak cũng là một trong những địa phương được Bộ NN&PTNT chọn là vùng sản xuất lúa lai tập trung với 1 nghìn ha tại huyện Ea Kar (các vùng còn lại là Bắc Hà (Lào Cai) 500 ha, Đại Lộc (Quảng Nam) 1 nghìn ha, Thanh Hóa 500 ha). Đây là lợi thế rất lớn của địa phương trong chiến lược chủ động giống cây trồng, bảo đảm an ninh lương thực. Hiện nay diện tích gieo cấy sử dụng các giống lúa lai F1 cũng tăng mạnh với khoảng 17% tổng diện tích gieo cấy, trong đó diện tích sử dụng giống xác nhận chiếm khoảng 50-60%. Cơ cấu bộ giống lúa lai rất đa dạng, ngoài các giống lúa lai 3 dòng như GS9, Bio 404, Syn6, BTE 1, Nhị ưu 838....thì một số giống lúa lai 2 dòng cũng đã được đưa vào sản xuất như: TH3-3, TH3-5, HYT 108…Các địa phương có phong trào sử dụng giống lúa lai mạnh trong sản xuất lúa là Cư M’gar, Krông Năng, Ea Kar, Krông Pak, Buôn Đôn và  TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa lai trên địa bàn tỉnh đang còn nhỏ lẻ, phân tán và tự phát, chưa phát huy hết được ưu thế của cây lúa lai cũng như tiềm năng đất đai.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Lúa (Đại học Nông nghiệp I – Hà Nội) đã hoàn thiện quy trình thâm canh lúa lai thương phẩm và quy trình sản xuất giống lúa lai F1 đạt kết quả cao trên tổ hợp lai TH3-3 và TH3-5 tại các huyện như Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột. Theo Tiến sĩ Trần Văn Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa, qua thử nghiệm tại nhiều địa phương, nhiều điều kiện đất khác nhau trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay, có thể khẳng định các tổ hợp lai TH3-3 và TH3-5 hoàn toàn phù hợp với vùng đất Dak Lak. Đặc biệt là tổ hợp lai TH3-3 mà trong giới khoa học gọi là “con nhà nghèo” không chỉ tỏ ra phù hợp mà còn phát huy những đặc tính nổi trội so với các giống lúa lai mà bà con nông dân đang sử dụng như giống Nhị ưu 838 hay VL24…Điều này đã được chứng minh trong thực tế sản xuất của người nông dân. Ông Nguyễn Văn Sánh (thôn 1, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) cho hay, so với các giống lúa khác, tổ hợp lai TH3-3 tỏ ra chống chịu tốt với điều kiện khí hậu Tây Nguyên, mưa nhiều nhưng cây lúa ít bị gãy đổ và hạt gạo vẫn chắc. Bên cạnh đó, tổ hợp lai TH3-3 cũng ít sâu bệnh hơn và tiền đầu tư trên một đơn vị diện tích cũng thấp hơn.

Tại Hội thảo Kết quả trình diễn Giống lúa lai hai dòng TH 3-3 tại thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar), Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sinh khẳng định, với tiềm năng sản xuất giống lúa lai tại chỗ, tìm ra tổ hợp giống phù hợp và hoàn thiện quy trình thì nông dân Dak Lak hoàn toàn có thể chủ động trong việc sản xuất lúa giống.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc