Multimedia Đọc Báo in

Cao su - Cây trồng triển vọng ở xã Hòa Thành (huyện Krông Bông)

08:00, 28/11/2012

Những năm gần đây, một số hộ nông dân ở xã Hòa Thành  (huyện Krông Bông) đã trồng thí điểm gần 10 ha cao su. Hiện nay, một số diện tích cao su đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này mở ra triển vọng về một cây trồng mới trên vùng đất Krông Bông, tuy nhiên những khó khăn về đầu ra của sản phẩm đang là một trong những trở ngại chính của việc phát triển cây trồng này tại địa phương.

Cán bộ xã Hòa Thành trao đổi với anh Nguyễn Văn Tùng  (bên trái) về việc trồng cao su.
Cán bộ xã Hòa Thành trao đổi với anh Nguyễn Văn Tùng (bên trái) về việc trồng cao su.

Năm 2007, sau khi tìm hiểu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển của cây cao su, gia đình anh Hà Văn Khôi, ở thôn 3 xã Hòa Thành đã quyết định chuyển đổi 2 ha cây điều, cà phê hiệu quả kinh tế thấp sang trồng 1.200 cây cao su ghép. Trong thời gian kiến thiết cơ bản, cây cao su có tỷ lệ sống đạt trên 90%, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc. Đến đầu năm 2012, gia đình anh Khôi đã bắt đầu thu hoạch vụ cao su đầu tiên, với chu kỳ khai thác cách một ngày một lần, thu được 60 lít mủ. Như vậy, 2 ha cao su gia đình anh thu được khoảng 2 tấn mủ/năm và những năm sau thì sản lượng sẽ tăng lên 3 – 4 tấn/năm. Anh Khôi cho biết, qua thực tế trồng và chăm sóc cây cao su khá thích hợp với vùng đất này. Cây phát triển đều, sản lượng mủ cao. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để có thể khai thác và tiêu thụ sản phẩm, gia đình anh phải thuê 2 lao động cạo mủ và chở sản phẩm ra tận huyện Cư Kuin nhập cho các thương lái. 

Năm 2008, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng từ tỉnh Bình Dương đến thôn 1 (xã Hòa Thành) lập nghiệp. Cũng như nhiều nông dân khác, anh chọn cây điều và cà phê là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình. Vốn xuất thân từ vùng đất chuyên canh cây cao su nên sau khi tham khảo thực tế, anh mạnh dạn mua thêm đất đầu tư trồng thử nghiệm 1 ha cao su và xen canh quanh vườn điều, cà phê. Đến nay, diện tích cao su trồng trước đã cao 5-6 m/cây, đường kính thân cây đạt trên 10cm. “Hiệu quả kinh tế của cây điều thấp hơn cây cao su nhiều nên gia đình tôi dự định sẽ phá bỏ toàn bộ 1 ha cây điều chuyển sang trồng cao su. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay không phải là cây trồng này có thích hợp với vùng đất ở xã Hòa Thành hay không mà chính là đầu ra của sản phẩm”, anh Tùng chia sẻ.

Xã Hòa Thành nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm khoảng 26oC. Loại đất xám chiếm 88,33% diện tích, trong đó đất xám có tầng loang lỗ đỏ vàng chiếm 15,68%, là loại đất có khả năng phát triển các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên hầu hết người dân mới tập trung trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, đậu đỗ. Trao đổi về chủ trương phát triển cây cao su, ông Trần Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có khoảng 1.200 ha đất nông nghiệp, trong đó mới khai thác được 500 ha trồng điều, cà phê và hoa màu. Trên thực tế, quỹ đất thích hợp để phát triển cây cao su còn khoảng 300 ha, nhưng hiện nay, việc trồng cao su của người dân mới chỉ là manh mún, tự phát. Vì vậy, chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm, định hướng việc phát triển cây cao su ở vùng đất này cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 Với kết quả trồng thử nghiệm cây cao su trên đất Hòa Thành cho thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã, nên rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét có quy hoạch cụ thể để làm cơ sở nhân rộng diện tích, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.