Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng cơ bản: Cần chính sách phù hợp

10:37, 02/11/2012

Các doanh nghiệp (DN) xây dựng cơ bản (XDCB) đều mong muốn bên cạnh việc xử lý nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho…, Nhà nước cần đẩy nhanh việc thanh toán vốn và kéo dài thời gian gia hạn nộp VAT thì mới có thể tháo gỡ được khó khăn cho họ trong giai đoạn hiện nay.

DN hoạt động trong lĩnh vực XDCB gặp khó khăn chủ yếu do các nguyên nhân: không hoặc khó tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng (NH), giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, bị Nhà nước nợ tiền đầu tư XDCB bằng vốn ngân sách… Nhìn chung, những khó khăn mà DN đang gặp phải đã được tích tụ từ lâu chứ không phải mới phát sinh trong thời gian gần đây. Trước đây, khi việc tiếp cận vốn tín dụng còn dễ, số lượng công trình XDCB nhiều, DN có thể xoay xở bằng cách vay NH hoặc lấy vốn của công trình cũ phục vụ cho công trình mới. Mấy năm gần đây, việc vay vốn không còn dễ dàng, số lượng công trình ít do cắt giảm đầu tư công và việc thanh toán, ứng vốn cũng chậm hơn, khiến DN không còn “giật gấu vá vai” như trước được nữa, nên rơi vào khó khăn. Nhiều DN cho biết, số tiền mà họ đã bỏ ra xây dựng các công trình nhưng chưa được ngân sách thanh toán là rất lớn, có trường hợp lên đến cả trăm tỷ đồng/DN, trong đó phần lớn là vốn vay NH nên khi bị chậm thanh toán, DN gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói, tình trạng nợ đọng XDCB diễn ra khá phổ biến và ở mức độ nghiêm trọng, đã kéo theo nhiều hệ lụy: công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; DN nợ lương công nhân, bảo hiểm xã hội, tiền thuế, thậm chí là chiếm dụng vốn của nhau, làm cho nợ xấu NH tăng lên...

Nhiều công trình XDCB chậm tiến độ vì chậm được thanh toán vốn đầu tư.                                                                (ảnh minh họa)
Nhiều công trình XDCB chậm tiến độ vì chậm được thanh toán vốn đầu tư. (ảnh minh họa)

 Từ những lý do trên nên DN mong muốn Nhà nước xem xét bố trí vốn thanh toán cho DN. “Có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của DN, trong đó nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn. Vì vậy, khi được Nhà nước thanh toán đầy đủ, DN vừa có vốn trả nợ NH, giảm bớt chi phí lãi vay, vừa có thêm vốn đầu tư làm các công trình khác cho xã hội”, giám đốc một DN bày tỏ. Cùng với đó, việc gia hạn thuế cho các DN XDCB cũng cần được xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Theo quy định hiện hành, thời gian gia hạn nộp thuế đối với trường hợp (DN chưa được thanh toán vốn đâu tư từ nguồn ngân sách) tối đa không quá một năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế là chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi lẽ, có công trình bị chậm thanh toán vài ba tháng, cũng có công trình thời hạn thanh toán kéo dài một vài năm. Nếu quy định thiếu linh hoạt thời gian gia hạn thuế sẽ không đem lại sự công bằng giữa các DN với nhau, thậm chí là dễ xảy ra tình trạng chiếm dụng tiền thuế. Ví dụ, DN A được gia hạn thời hạn nộp thuế là 1 năm nhưng sau đó vài tháng đã được Nhà nước thanh toán vốn đầu tư, như vậy, DN A sẽ không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế ngay mà sử dụng số tiền đó cho việc khác, chờ đến khi hết thời gian gia hạn mới nộp. Trái lại, DN B cũng được gia hạn thuế 1 năm, nhưng hết thời hạn đó Nhà nước vẫn chưa thanh toán vốn đầu tư cho DN, trong khi DN B lại không được gia hạn thời gian nộp thuế, như thế là không công bằng. Vì vậy, nên chăng cần có quy định thời gian gia hạn nộp thuế này theo hướng mở. Có thể quy định thời gian gia hạn nộp VAT bằng với thời gian Nhà nước chậm thanh toán vốn đầu tư cho DN.

Nhiều DN cho rằng, xử lý nợ đọng XDCB là công việc khá phức tạp, nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước có hạn trong khi nhu cầu đầu tư XDCB lại rất lớn. Để huy động được nguồn lực của xã hội nói chung, DN hoạt động trong lĩnh vực XDCB nói riêng, những khó khăn nêu trên của DN rất cần được Nhà nước sớm quan tâm tháo gỡ.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.