Multimedia Đọc Báo in

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Cơ hội để doanh nghiệp “lấy điểm”

14:26, 17/11/2012

Ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đặc biệt, với doanh nghiệp, cuộc vận động này còn là cơ hội giúp họ nhìn lại mình để tiếp tục chiếm lĩnh sự tin yêu của người tiêu dùng...

Cùng với công tác tuyên truyền, vận  động, doanh nghiệp tích cực vào cuộc  chính là yếu tố bảo đảm niềm tin vững chắc của “thượng đế” đối với hàng Việt. Kết quả những  nỗ lực của cơ quan quản lý sẽ chỉ là giới hạn, sự đón nhận của người tiêu dùng cũng có điểm dừng nếu doanh nghiệp giữ sức ì quá lớn, không làm mới mình một cách phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm và cả cơ hội trong cuộc chạy đua trên thương trường, đặc biệt là tiếp tục chinh phục khách hàng nội địa, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chăm lo xây dựng, bảo vệ hình ảnh, thương hiệu của mình. 

Mỗi doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh một trục: tìm mọi cách để “lấy điểm” trước người tiêu dùng. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tổ chức ngày 9-11 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn – Buôn Ma Thuột được đánh là một điển hình với các chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn” và hoạt động khuyến mãi cổ vũ cho hàng Việt. Cụ thể: từ năm 2009 đến nay, Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột đã tổ chức được 25 điểm bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn Dak Lak với doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng, giúp người dân ở những vùng xa trung tâm được tiếp xúc với hàng Việt  bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, giá cả phải chăng. Công ty tích cực tham gia vào chương trình bình ổn giá trong các dịp Tết, chủ yếu áp dụng những mặt hàng là các nhu yếu phẩm như: dầu ăn, nước chấm, gia vị, gạo, rau củ quả các loại... với số tiền hỗ trợ bình ổn Tết 2011 là 15 tỷ đồng và Tết 2012 là 20 tỷ đồng. Thông qua các chương trình khuyến mãi “Tuần hàng Việt Nam”; “Tự hào hàng Việt may mắn nhân đôi” có sự tham gia của 600 nhà cung cấp, hơn 2.000 mặt hàng thiết yếu được giảm giá đến 49%; “Mua hàng Việt trúng vàng ròng” có giá trị giải thưởng hơn 100 triệu đồng,  Co.op Mart Buôn Ma Thuột đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia, kích cầu mua sắm.

Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Công ty Cổ phần Thương mại Sabeco Tây Nguyên lại được đánh giá cao với bước đi: xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp các vùng thành thị và nông thôn, tạo sự tiện lợi cho khách hàng trong việc mua hàng. Tiếp tục khẳng định chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu Bia Sài Gòn – thương hiệu Việt, Giám đốc Đoàn Mạnh Hùng cho biết: Thời gian tới, Công ty sẽ chú trọng nghiên cứu thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt bình ổn giá, xây dựng dịch vụ bán hàng, phát triển hệ thống điểm bán có uy tín và hiệu quả. Bên cạnh đó, Công ty sẽ thể hiện nhiều hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng, tăng cường công tác chăm sóc người tiêu dùng bằng các chương trình khuyến mãi. Năm 2012, dự kiến khoản kinh phí đầu tư cho chương trình “Sabeco chung tay vì cộng đồng” lên tới 2,5 tỷ đồng.

Một chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn.
Một chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn.

Nhận thức rõ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để nâng cao uy tín thương hiệu, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực tham gia nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã phối hợp tổ chức 7 kỳ hội chợ, triển lãm tại địa phương, hơn 20 kỳ hội chợ ở các tỉnh, thành trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giới thiệu hàng hóa của địa phương ra nước ngoài như: Cộng hòa liên bang Đức, Lào, Campuchia. Theo đó, có hàng trăm doanh nghiệp đã tham gia với số lượng gần 380 gian hàng, góp phần quảng bá sâu rộng cho hàng Việt. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường, tham gia nhiều chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng lượng cao, tiêu biểu như: Công ty Cà phê Trung Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Krông Buk, Công ty ong mật Dak Lak, Công ty TNHH nước uống Dawa...

Chinh phục và làm vừa lòng “thượng đế” bằng chất lượng, mẫu mã và giá cả luôn luôn là phương châm để sản phẩm doanh nghiệp làm ra trở thành lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng khi cần đến. Kết quả khảo sát được công bố trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Dak Lak, tại các siêu thị trong tỉnh và ở một số địa phương, hiện có 87% dân số trong tỉnh đã mua và sử dụng sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; ở các siêu thị trên địa bàn, tỷ lệ hàng Việt bày bán chiếm tỷ lệ lớn khoảng 85%. Điều đó đã cho thấy sự đón nhận, quan tâm của người tiêu dùng đối với hàng Việt hay nói cách khác ít nhiều doanh nghiệp đã “lấy điểm” và làm vừa lòng được “thượng đế” tại thị trường nội địa đầy tiềm năng. 

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.