Multimedia Đọc Báo in

Khai thác tiềm năng nuôi cá lồng ở bàu Dài xã Hòa Lễ (Krông Bông)

06:02, 09/11/2012

Xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) có diện tích tự nhiên 9.888 ha, trong đó diện tích ao hồ 65 ha, riêng bàu Dài có diện tích 11 ha chạy từ thôn 1 đến thôn 5. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, người dân trong vùng đã đánh bắt tự nhiên mà không có kế hoạch duy trì, phát triển nguồn giống nên nguồn lợi thủy sản đã dần trở nên cạn kiệt.

Nhận thấy lợi thế về thủy sản nơi đây, cũng như trăn trở về việc duy trì, phát triển nguồn cá ở khu vực, sau thời gian tìm hiểu qua sách báo về nuôi cá lồng nước ngọt, ông Võ Nhựt (thường gọi là Ba Nhựt) ở thôn 3, xã Hòa Lễ đã mạnh dạn đầu tư 35 triệu đồng làm thí điểm 6 lồng bè với diện tích 120m2.

Ông Nhựt cho biết, trước mắt ông chỉ thả 3 lồng 20 kg cá bột loại rô phi và cá chép. Áp dụng phương pháp nuôi thả tự nhiên kết hợp với dùng thức ăn công nghiệp đúng quy trình hướng dẫn, theo tính toán nếu đàn cá phát triển tốt thì sau thời gian nuôi 3 tháng, mỗi con phải đạt trọng lượng từ 300-500 g, như vậy với giá bán 25.000 đồng/kg sẽ thu được 25 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm cũng như thiếu vốn nên lứa đầu tiên cá sinh trưởng chậm, lợi nhuận chỉ bằng 1/3 so với dự tính. Song với mong muốn được sống bằng nghề, ông Nhựt dự định sau mùa lũ sẽ tiếp tục đầu tư  nuôi đủ 6 lồng để đáp ứng nguồn cá cung cấp cho thị trường và sớm thu hồi vốn đầu tư.

Ông Nhựt cũng chia sẻ kinh nghiệm: Cá nuôi trong lồng có thể nuôi theo hình thức thâm canh, dễ chăm sóc, quản lý. Bên cạnh đó, việc cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp sẽ rút ngắn thời gian nuôi, cá phát triển nhanh, đồng đều, năng suất cao, thuận tiện cho khâu thu hoạch và tiêu thụ, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân. Về vấn đề đầu ra không có nhiều trở ngại, mà điều lo ngại nhất là vốn và kỹ thuật.

Được biết, tại xã Hòa Lễ vẫn còn nhiều gia đình mong muốn thực hiện phương pháp nuôi cá lồng bè, song do chưa có điều kiện tiếp cận với các cơ quan chuyên môn để được tư vấn về vốn cũng như kỹ thuật, nên chưa dám triển khai. Mặt khác, chi phí ban đầu làm lồng bè khá tốn kém, nhất là đối với các hộ dân làm nông nghiệp, nên nhiều hộ không đủ điều kiện thực hiện.

Trên cơ sở khai thác những lợi thế do thiên nhiên mang lại, để phát triển nghề nuôi cá lồng bè gắn liền với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi và môi trường sinh thái để nuôi bền vững, nhằm từng bước đưa nghề cá trở thành một ngành sản xuất chính, góp phần vào việc đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, rất mong các cơ quan, ban ngành như ngân hàng, khuyến nông, trạm thủy sản sớm khảo sát, định hướng giúp cho bà con nông dân, tạo “chiếc cần câu cơm” để họ có thể phát triển nghề cá, giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho gia đình.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.