Những lưu ý khi tái đàn, nuôi mới sau dịch heo tai xanh
Đến thời điểm này, dịch bệnh heo tai xanh (TX) trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, nhiều địa phương đã và đang tiến hành công bố hết dịch, đồng thời cho phép việc mua bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ heo, các sản phẩm của heo được phép hoạt động trở lại bình thường. Hiện tại, người dân bắt đầu quan tâm đến việc tái đàn, nuôi heo mới để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nhằm hạn chế nguy cơ tái phát dịch heo TX và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, theo Phòng chăn nuôi (Sở NN-PTNT), bà con chăn nuôi cần thận trọng, không nên tái đàn ồ ạt và cần làm tốt một số việc sau:
Vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại trước khi nuôi: Dịch bệnh heo TX tuy đã được khống chế, song nguy cơ tiềm ẩn của vi-rút vẫn còn. Các hộ chăn nuôi, đặc biệt là những hộ đã có heo bị bệnh phải rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, để trống chuồng ít nhất từ 30-60 ngày trước khi nuôi lứa heo mới. Các hộ chăn nuôi chưa có heo bị bệnh, sau khi xuất bán mỗi lứa heo phải thu dọn chất thải, vệ sinh, khử trùng tiêu độc; để trống chuồng trong thời gian tối thiểu là 7 ngày trước khi nuôi lứa heo mới. Trong thời gian nuôi, thường xuyên cọ rửa thành tường, quét dọn nền chuồng, trần chuồng nuôi, gom chất thải đem chôn hoặc đốt. Định kỳ tiêu độc, sát trùng chuồng trại bằng hóa chất Benkocid, B.K.A, xút (NaOH), Formol; xung quanh chuồng nên rải vôi bột để tiêu diệt tận gốc mầm bệnh.
Về giống heo: Khi mua heo giống nên xem xét kỹ nguồn gốc, chọn giống ở những vùng an toàn dịch, tốt nhất là chỉ mua heo có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly trong vòng 21 ngày để theo dõi. Hiện Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp giống heo bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, vì vậy bà con nên liên hệ với Trung tâm để mua con giống.
Khu vực chăn nuôi: đối với trang trại, ở lối ra vào khu vực chăn nuôi cần có hố sát trùng, có giày, ủng và trang bị bảo hộ sử dụng trong trại. Đặc biệt không nuôi thả rông; chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền chuồng phải cao ráo, tránh để các loại vật nuôi khác như gà, vịt… vào chuồng nuôi.
Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: cần chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc-xin dịch tả và tụ huyết trùng; bổ sung các loại thức ăn giàu đạm, khoáng, vitamin hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng cho heo. Các dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi: máng ăn, máng uống, phương tiện vận chuyền thức ăn… cần thường xuyên rửa sạch, phơi khô. Chuồng trại phải thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa và đặc biệt phải chú ý chống nóng vì heo dễ bị bệnh cảm nắng. Trong quá trình chăm sóc, phát hiện heo có biểu hiện bất thường, bà con cần báo ngay cho cán bộ thú y, đồng thời tự giác thực hiện các biện pháp cách ly, không bán chạy heo bệnh để tránh phát tán mầm bệnh.
T.N
Ý kiến bạn đọc