Multimedia Đọc Báo in

Siêu thị làm nhãn hàng riêng: Người tiêu dùng hưởng lợi

08:22, 23/11/2012

Cùng với việc bày bán nhiều sản phẩm đa dạng, chú trọng đến chất lượng hàng hóa, những năm gần đây, nhiều siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã đầu tư mạnh hơn cho các sản phẩm mang nhãn hàng riêng của mình. Bước đi này đã ít nhiều thành công và được nhiều người tiêu dùng (NTD) đón nhận.

Với thế mạnh ở ngành may mặc, nhãn hàng riêng của Vinatex Buôn Ma Thuột được nhiều người đón nhận.
Với thế mạnh ở ngành may mặc, nhãn hàng riêng của Vinatex Buôn Ma Thuột được nhiều người đón nhận.

 

Đa dạng nhãn hàng riêng

Nhãn hàng riêng được cho là dòng sản phẩm do chính nhà phân phối sản phẩm tổ chức sản xuất, mang thương hiệu riêng của mình. Những năm gần đây, do được chú trọng đầu tư mạnh nên dòng sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng ở siêu thị với sự đa dạng về chủng loại. Riêng trên địa bàn Dak Lak, với hai siêu thị lớn là Co.opMart và Vinatex Buôn Ma Thuột, NTD không khó để tìm thấy nhiều sản phẩm ở nhiều ngành hàng mang nhãn hàng riêng của hai nhà phân phối này; trong đó, Co.opMart Buôn Ma Thuột là một trong những đơn vị liên tục giới thiệu với NTD hàng loạt nhãn hàng riêng từ thực phẩm chế biến, hóa phẩm đến đồ dùng gia đình, may mặc… Theo ông Bùi Quang Hòa - Phó Giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột thì đơn vị bắt đầu kinh doanh nhãn hàng riêng từ năm 2008, đến nay, nhãn hàng riêng này chiếm khoảng 5% trong tổng số hơn 20.000 mặt hàng được bày bán ở siêu thị, tất cả đều mang thương hiệu Co.opMart. Ở khâu cung ứng, siêu thị sẽ đặt hàng các nhà sản xuất làm ra sản phẩm mang thương hiệu riêng để bán với sự cam kết và kiểm duyệt khắt khe về chất lượng, đóng gói bao bì…

Với thế mạnh ở ngành hàng may mặc, Vinatex Buôn Ma Thuột cũng không nằm ngoài cuộc cạnh tranh làm ra nhãn hàng riêng. Dạo một vòng quanh siêu thị, dễ thấy sự đa dạng về chủng loại hàng hóa mang thương hiệu Vinatex Fashion được bày bán tại đây. Ông Võ Thành Trung - Giám đốc Vinatex Buôn Ma Thuột khẳng định: nhãn hàng riêng chiếm vị trí khá quan trọng trong cơ cấu hàng hóa ở siêu thị, trong đó, với sự góp mặt của các dòng sản phẩm dành cho trẻ em, người lớn, nam, nữ; từ các mặt hàng đồng phục, công sở, dạo phố, đến thời trang theo mùa như các nhãn hàng: Roni (dành cho nam), Dora (nữ), Suri (dành cho trẻ em) và hướng đến phân khúc thị trường tiêu thụ bình dân với giá từ vài chục đến trên 200.000 đồng/sản phẩm.

Với thế mạnh ở ngành hàng may mặc, nhãn hàng riêng của Vinatex Buôn Ma Thuột được nhiều người đón nhận.
Với thế mạnh ở ngành hàng may mặc, nhãn hàng riêng của Vinatex Buôn Ma Thuột được nhiều người đón nhận.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Đẩy mạnh việc sản xuất các nhãn hàng riêng để định vị thương hiệu và “hút” NTD về phía mình đang là một cách cạnh tranh giữa các siêu thị hiện nay. Ưu điểm lớn nhất của việc làm ra nhãn hàng riêng là giá rẻ hơn các mặt hàng cùng chủng loại. Chẳng hạn: cùng một loại sản phẩm nhưng các nhãn hàng riêng có giá thấp hơn từ 5-10%, do đó, hấp dẫn đối với người mua. Đại diện Co.opMart Buôn Ma Thuột lý giải, sở dĩ như vậy là do siêu thị đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất có uy tín làm ra, với lợi thế phân phối bán lẻ của mình nên sẽ không tốn nhiều chi phí cho việc quảng cáo, trưng bày hay giới thiệu sản phẩm; giảm được các khâu trung gian phân phối  sản phẩm trước khi đến tay NTD. Còn ông Võ Thành Trung - Giám đốc Vinatex Buôn Ma Thuột chia  sẻ: các nhãn hàng riêng của siêu thị có giá thấp hơn nhiều so với các mặt hàng cùng loại bán ra trên thị trường. Chú trọng đến chất lượng, phù hợp với thị hiếu và giá cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp là mục tiêu mà các nhãn hàng riêng của siêu thị đang cố gắng hướng tới.

Nhiều năm trở lại đây, nhãn hàng riêng đã không còn xa lạ với nhiều người. Việc này đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NTD trước tình trạng giá cả biến động như hiện nay. Chị Đỗ Thị Xuân (huyện Cư M’gar) chia sẻ: nếu như trước kia, khi mua hàng chị chỉ để ý đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thì gần đây, đã chú ý nhiều hơn đến các nhãn hàng riêng, vì các nhãn hàng này thường có giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm và lại hay có các chương trình khuyến mãi riêng. Chẳng hạn như các loại nước uống đóng chai, giấy vệ sinh, nước rửa chén v.v… đều rẻ hơn từ 5-8% nếu mua của các nhãn hàng khác. Cùng suy nghĩ đó, chị Mai Hoài Thương (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, đa số các sản phẩm mang nhãn hàng riêng đều rẻ hơn các sản phẩm cùng loại khác, do đó, việc chọn mua hàng hóa thì yếu tố giá cả được chị đặt lên hàng đầu và luôn ưu tiên chọn mua các dòng sản phẩm này.

Có thể nói: việc ra nhãn hàng riêng cũng là một cách hoạch định kinh doanh để tìm cách “hút” NTD về phía mình trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay giữa các nhà phân phối. Trong đó, với sự cạnh tranh lành mạnh về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm ở các nhãn hàng riêng đã tạo nên những lợi ích nhất định cho NTD, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.