Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng

06:04, 09/11/2012

Những năm qua, Nhà nước đã thực hiện thu hồi hàng chục nghìn ha đất ở và đất nông nghiệp để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội phục phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (GPMB, BT – HT và TĐC) vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cũng như quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Vẫn còn bất cập

Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cho biết: từ 2004 đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng  gần 64.000 ha đất được thu hồi (đất nông, lâm nghiệp hơn 62.000 ha, đất ở hơn 1.700 ha); trong đó diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình phúc lợi xã hội 61.000 ha. Nhà nước đã hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất gần 800 tỷ đồng, bồi thường hơn 1.200 tỷ đồng và 25,3 ha đất. Tuy nhiên, công tác GPMB, BT-HT và TĐC vẫn còn những vướng mắc, hiệu quả thấp dẫn đến nhiều hệ lụy. Có một thực tế là nhiều địa phương phải điều chỉnh lại quy hoạch, sửa đổi thiết kế dự án do không GPMB được hoặc hạ tầng không bảo đảm. Hậu quả của việc này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, mất an ninh trật tự ở các địa phương và ảnh hưởng xấu đến chủ trương thu hút đầu tư. Tồn tại lớn nhất là tổ chức GPMB không đúng quy trình, áp giá bồi thường thấp, thiếu công khai, dân chủ; cơ chế, chính sách BT-HT và TĐC có nhiều bất cập gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Ea Kar, Krông Pak… công tác lập quy hoạch chưa đồng bộ, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, quỹ đất để bố trí tái định canh, định cư thiếu và không đáp ứng được yêu cầu của người bị thu hồi đất, điều kiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư nhiều nơi không bằng chỗ cũ nên người được hỗ trợ không chấp nhận; một số xã, phường không có quỹ đất nông nghiệp dự phòng để bố trí tái định canh nên công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn. Một bất cập khác là việc giao đất TĐC còn chậm, không có quy định hỗ trợ bổ sung tiền thuê nhà trong thời gian chờ giao đất gây nên nhiều thiệt thòi cho người bị thu hồi đất; công tác quy hoạch sử dụng đất và quản lý Nhà nước về đất đai còn hạn chế, chính quyền các cấp không có đầy đủ hồ sơ quản lý, không cập nhật thường xuyên những biến động, chuyển nhượng đất đai, nguồn gốc đất nhập nhằng nên rất khó xác định giá trị và tính pháp lý.

Nguyên nhân lớn nhất của thực trạng trên là khung giá bồi thường chưa hợp lý, cơ chế, chính sách thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí BT quá thiếu so với nhu cầu thực tế nên nhiều dự án không triển khai được; sự phối hợp bố trí đất TĐC giữa các chủ dự án và Ban BT - GPMB và TĐC địa phương chưa đồng bộ; một số cán bộ quản lý đất đai cấp xã, phường yếu về chuyên môn, nên khi tham mưu BT thiếu chính xác; công tác thẩm định và phê duyệt phương án BT chậm, thiếu cương quyết trong việc xử lý các trường hợp cố tình dây dưa, kéo dài.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB xây dựng các nhà máy thủy điện  thường nảy sinh những bất cập.
Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB xây dựng các nhà máy thủy điện thường nảy sinh những bất cập.

Cần có sự đồng thuận của người dân

Công tác GPMB, BT – HT và TĐC là vấn đề khá “nhạy cảm” nên cần giải quyết có lý có tình, trong đó điều quan trọng là khi tiến hành các dự án phải có sự đồng thuận cao nhất của người dân để những người bị thu hồi đất hiểu và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến GPMB.

Tồn tại lớn nhất trong công tác GPMB, BT – HT và TĐC là tổ chức GPMB không đúng quy trình, áp giá bồi thường thấp, thiếu công khai, dân chủ; cơ chế, chính sách BT – HT và TĐC có nhiều bất cập dẫn đến khiếu kiện. Điển hình là các vụ khiếu nại ở các dự án: đập thủy lợi Krông Buk hạ (huyện Krông Pak) thủy điện Buôn Tua Srah (huyện Lak), trung tâm cụm xã Ea Rốc (huyện Ea Súp), nâng cấp quốc lộ 14 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột… Một trong những vụ khiếu kiện kéo dài là trường hợp bà Thái Thị Xuân Lan ở tổ 4, khối 7 phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột đối với Hội đồng BT - GPMB công trình Thủy điện Sêrêpôk 3 (huyện Buôn Đôn). Cụ thể, năm 2008 và 2009, gia đình bà bị thu hồi tổng cộng 11 ha đất nông nghiệp ở xã Tân Hòa và Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) để thi công lòng hồ thủy điện và lấy đất bố trí tái định canh. Tuy nhiên, gia đình bà không được bồi thường thỏa đáng và không được bố đất tái định canh… Sự việc của bà dây dưa, kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại cuộc hội thảo Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác BT – HT và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, các nhà quản lý đất đai nhấn mạnh: khi triển khai các dự án xây dựng phải có sự đồng thuận cao nhất của người dân vùng dự án để bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất. Hội thảo đã chỉ ra những giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác BT – HT và TĐC trên địa bàn tỉnh là: đẩy mạnh công tác chỉ đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; chủ động nguồn vốn, quỹ đất, quỹ nhà ở và có cơ chế giá bồi thường phù hợp, hỗ trợ người dân một cách công bằng, đúng quy định; chủ động hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người bị thu hồi đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về pháp luật của Nhà nước và chính sách hỗ trợ trong công tác GPMB…Nếu chính quyền và các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo ra sự chuyển biến tốt hơn trong công tác BT-GPMB và TĐC, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ  phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống dân sinh.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc