Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở buôn Đung

05:14, 10/12/2012

Trong cuộc kháng chiến cứu quốc, dù đối mặt với chiến tranh ác liệt, gian khổ trăm bề nhưng bà con buôn Đung (nay tách thành buôn Đung A và Đung B) xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo vẫn một lòng chung thủy, đóng góp sức người, sức của phục vụ cách mạng. Phát huy truyền thống yêu nước, ngày nay bà con trong buôn cần cù làm ăn, chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục con cháu, tạo diện mạo mới trên vùng quê cách mạng.

Ama Khanh (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng cà phê  với hội viên cựu chiến binh trong buôn.
Ama Khanh (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng cà phê với hội viên cựu chiến binh trong buôn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây kiên cố trị giá gần 300 triệu đồng, Ama Lét, một cựu chiến binh ở buôn Đung A hồ hởi khoe: “So với trước kia, đời sống bà con trong buôn đổi thay rất nhiều, không còn hộ đói, nhà nào cũng có ti vi, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, đường sá mở rộng đi lại thuận tiện”. Trước đây, gia đình Ama Lét là một trong những hộ nghèo của buôn, 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào lúa. Do thiếu vốn nên mặc dù có 2 ha đất bố mẹ chia cho nhưng vợ chồng Ama Lét chỉ biết trồng ngô, sắn để có thêm lương thực. Được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất lại thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên Ama Lét mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Để “lấy ngắn nuôi dài”, Ama Lét vẫn trồng tỉa hoa màu, nhưng chăn nuôi thêm heo gà, tích lũy được đồng vốn nào thì đầu tư trồng cà phê, cao su. Cứ như thế, đến nay Ama Lét đã sở hữu 2 ha cà phê và cao su kinh doanh, thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Năm 2010, Ama Lét thoát khỏi danh sách hộ nghèo, xây dựng nhà cửa kiên cố, lại còn đóng góp 1,5 triệu đồng vào quỹ “Đồng đội” để giúp hội viên CCB trong buôn phát triển kinh tế. Hay như Ama Khanh cũng từ một hộ nghèo vươn lên khá giả. Ông đã mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình cắt cành, bẻ chồi, bón phân, tưới nước hợp lý nên 2,4 ha cà phê của gia đình cho năng suất trên 6 tấn/năm. Có vốn, ông đầu tư mua đất trồng 600 cây cao su đến nay sắp bước vào thời kỳ khai thác mủ. “Chỉ một thời gian nữa thôi mình không còn lo cảnh đói nghèo, mấy đứa con cũng có thêm việc mà làm, không sợ thất nghiệp”, Ama Khanh phấn khởi.

Bà con buôn Đung đã phát huy nội lực, chuyển từ độc canh cây lúa, hoa màu sang trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu… Đến nay, toàn buôn có trên 200 ha cà phê kinh doanh, năng suất bình quân khoảng 4 tấn/ha; hơn 100 ha cao su tiểu điền, trong đó 40% diện tích đã cho khai thác mủ. Nhờ vậy, không chỉ có gia đình Ama Lét, Ama Khanh mà còn nhiều hộ khác như Ama Lô, Ama Ni, Ama Khoan, Y Luyện Adrơng… vươn lên thoát nghèo. Cuộc sống ổn định, bà con chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tình làng nghĩa xóm luôn được quan tâm, củng cố vững chắc. Bà con đã bỏ dần các hủ tục lạc hậu, giữ gìn nhà dài truyền thống, duy trì, phát triển đội văn nghệ, cồng chiêng tham gia giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ, tết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Khăl Nguyễn Văn Diện, để có được kết quả đáng phấn khởi như hôm nay, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, nhà nước, bà con buôn Đung A và Đung B đã không trông chờ ỷ lại mà chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, phát huy thế mạnh của địa phương. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà con còn rất quan tâm đến chuyện học hành của con em, hạn chế tối đa số trẻ bỏ học. Đến nay cả hai buôn có 20 em theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã quay về phục vụ buôn làng, địa phương. Về thăm buôn căn cứ cách mạng Đung A và Đung B nhân chuyến thăm và làm việc tại Dak Lak năm 2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ vui mừng, hoan nghênh những cố gắng, nỗ lực vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh trật tự địa phương của đồng bào hai buôn. Đồng thời mong muốn Đảng bộ, chính quyền và người dân trong buôn tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phấn đấu xây dựng quê hương, buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Về buôn Đung A và Đung B hôm nay được chứng kiến nhiều đổi thay trong từng nếp nhà, con đường, vườn cây. Sự trù phú, no ấm của vùng quê cách mạng năm xưa đang tiếp thêm sức trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.