Multimedia Đọc Báo in

Trở trăn cây mía Ea Kar

08:39, 03/12/2012

Cây mía đã gắn bó với cuộc sống của người dân huyện Ea Kar từ nhiều năm nay, bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngoài những rủi ro do hạn hán, sâu bệnh và mất mùa gây nên, thì việc giá mía xuống thấp đang là nỗi lo khiến người trồng mía lâm vào cảnh “đứng ngồi không yên”.

Mía rớt giá liên tục, tiền thuê nhân công tăng cao khiến người trồng mía  huyện Ea Kar gặp khó khăn.
Mía rớt giá liên tục, tiền thuê nhân công tăng cao khiến người trồng mía huyện Ea Kar gặp khó khăn.

Từng là cây trồng mang lại lợi nhuận cao

Khoảng 4 năm về trước, mía được xem là loại cây trồng thoát nghèo vươn lên làm giàu của không ít hộ dân huyện Ea Kar. Vì vậy hằng năm, bà con nơi đây không ngừng đầu tư mở rộng diện tích: năm 2006-2007 mới chỉ có gần 2.000 ha, đến năm 2010 đã tăng lên 5.200 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Sô, Ea Sar, Ea Păl, Cư Ni… tạo nên một diện mạo mới trong đời sống xã hội - kinh tế mỗi địa phương. Gia đình ông Trần Ngay ở thôn 1, xã Ea Sar bắt đầu trồng mía từ năm 2004, với diện tích gần 1 ha. Quá trình thâm canh, thu hoạch, ông nhận thấy cây mía rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng, giá trị kinh tế đem lại cao gấp 2-3 lần so với những loại cây trồng truyền thống khác như lúa, mì, bắp…, vì vậy, đến năm 2008 ông đã tăng diện tích trồng mía lên 5 ha. Nhờ vậy, những năm qua gia đình ông đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, nuôi 4 con ăn học đại học, mua sắm được nhiều trang thiết bị sinh hoạt hiện đại trong gia đình. Tương tự, hộ bà Lê Thị Thoa ở xã Ea Sô cũng làm giàu từ mía: đến năm 2010, gia đình bà đã có 7 ha, cho thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng/năm. Theo bà Thoa, mía là loại cây trồng khá dễ tính: trồng mới năm đầu rồi cứ vậy chăm bón và thu hoạch đều trong 4 năm mới phải cày xới, phá bỏ để trồng lại. Sau mỗi vụ thu hoạch, chỉ cần phát cỏ, đốt trên bề mặt gốc và phơi đất khoảng 2 tuần, sau đó tưới nước để mía tiếp tục ra mầm mới. Khi mía lên xanh, thì bóc lá cho cây phát triển lóng. Lá mía sử dụng để chăn nuôi trâu bò; đồng thời bà Thoa còn bán cho một số trang trại bò giống trong địa bàn huyện, thu lợi trên 5 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô chia sẻ: bên cạnh những loại cây trồng, vật nuôi truyền thống đang cho thu nhập ổn định thì những năm qua, mía cũng được bà con đưa vào danh sách cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hàng trăm hộ xây được nhà mái bằng, nhiều hộ mua sắm được các vật dụng sinh hoạt, phương tiện đi lại đắt tiền. Về đầu ra của sản phẩm mía cũng khá ổn định, do hằng năm được Công ty Cổ phần mía đường 333 (đóng trên địa bàn huyện Ea Kar) ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con vay vốn, cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, giống mía, hỗ trợ làm đường giao thông nội thôn, buôn… nên bà con yên tâm sản xuất.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề trồng mía gặp nhiều bất lợi do thời tiết bất thường, giá cả giảm (mía niên vụ 2010 giá 1.000 đồng/kg, năm 2011 chỉ còn khoảng 800 đồng/kg) khiến người nông dân không khỏi lo lắng. Niên vụ mía 2012 (khoảng tháng 7 tháng 8-2012), khi cây mía Ea Kar chưa kịp vươn lóng thì gặp thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài ngay giữa mùa mưa, đã khiến hàng nghìn ha mía bị ảnh hưởng nặng, lá ra đến đâu bị khô quắt đến đó, thân mía còi cọc và khô nước; người trồng mía phải một phen lao đao tìm nguồn nước tưới. Cũng như nhiều hộ dân khác trong huyện, anh Đinh Văn Cần ở xã Ea Tyh đã phải “chạy đôn chạy đáo” mua hàng trăm mét ống nước và thuê người khoan 2 giếng ngay tại rẫy mía để tưới ngày tưới đêm nhằm cứu vớt phần nào diện tích mía của gia đình. Anh chia sẻ: chưa có năm nào thời tiết bất thường như năm nay, hàng loạt giếng khơi, hồ, suối trong vùng đều cạn róc. Cùng thời điểm tháng 8 năm ngoái, 3 ha mía của gia đình anh đã lên quá đầu người, vậy nhưng năm nay, cây mía kém phát triển, lá xơ xác, còi cọc, nếu có tưới nước cũng khó khôi phục trở lại. Niên vụ 2011, mỗi ha mía anh thu từ 70-80 tấn mía/ha, nhưng năm nay thì mất mùa to, may ra cũng chỉ thu được khoảng 30 tấn/ha. Chưa kể do hạn hán, mất mùa, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV và thuê nhân công lao động tăng cao nên việc đầu tư cho cây mía cũng tăng đột biến (khoảng 50% so với thời điểm năm 2009). Nếu như trước đây, mỗi ha mía lãi từ 40-60 triệu đồng thì năm nay, có thể chỉ còn thu lãi khoảng 15-20 triệu đồng/ha. Chưa hết nhiều hộ dân trồng mía tự do (không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần mía đường 333), tự trồng, tự bán đã tạo cơ hội cho các tư thương ép cấp, ép giá mía của người dân bằng nhiều cách như: đo trữ lượng đường thiếu khách quan, tính trừ tạp chất cao… khiến nông dân thiệt thòi thêm khoảng 5-10% so với giá trị thực. Nếu hộ nào lỡ chặt mía rồi mà không đồng ý bán do cách làm trên hoặc than phiền, thắc mắc thì các tư thương sẽ để 2-3 ngày sau mới vào thu mua; lúc đó trữ lượng đường trong mía đã giảm xuống, mía bán càng mất giá…

Trước những khó khăn như đã kể trên đã khiến bà con không còn mặn mà với loại cây trồng này như trước đây; nhiều hộ còn phá bỏ cây mía và không có ý định trồng lại (từ niên vụ 2011 đến nay, toàn huyện đã giảm trên 200 ha mía). Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập từ cây mía thấp, việc chăm sóc, xuất bán gặp nhiều rủi ro (một số xã lại đang tính chuyện việc chuyển diện tích mía sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn. Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp huyện Ea Kar đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ số diện tích mía trên địa bàn, hạn chế việc mở rộng khi chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm; đồng thời khuyến khích hình thành các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nhằm vận động bà con nông dân tập trung thâm canh, tăng năng suất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng đường cho cây mía, như: thay đổi giống mía mới, có sản lượng và tỉ lệ đường cao như: K84, R570, ROC 25, ROC26…; đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm công chăm sóc, chi phí đầu tư; ký hợp đồng với Công ty cổ phần mía đường 333 trên địa bàn và vận động bà con bán trực tiếp cho đơn vị ký hợp đồng chứ không bán qua khâu trung gian, đại lý thu mua ngoài… Đây là cách làm mang tính bền vững nhằm đem lại quyền lợi thiết thực cho người trồng mía. Vấn đề còn lại là ngành nông nghiệp huyện Ea Kar cần tăng cường hơn nữa mối liên kết với Công ty cổ phần mía đường 333 để phối hợp việc gắn kết người dân với doanh nghiệp, tạo nên vùng trồng mía chuyên canh với nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định và phát huy được thế mạnh của vùng; đồng thời cần có chính sách trợ giá và thu mua mía với giá hợp lý, ổn định, tương xứng với công sức người dân bỏ ra.

Lê Thành

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.