Multimedia Đọc Báo in

Giảm tổn thất sau thu hoạch: Nhìn từ công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

19:54, 01/12/2012

Hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến, ngành nông nghiệp không ngừng được đầu tư, phát triển từng bước nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh nhiều hạn chế bất cập, trong đó có thể kể đến là  tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao. Do vậy, việc đẩy mạnh cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất không chỉ góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất mà còn là giải pháp tích cực, hiệu quả trong giảm thất thoát sau thu hoạch.

Trình diễn nghiệm thu mô hình máy gặt đập liên hợp tại huyện Krông Bông.
Trình diễn nghiệm thu mô hình máy gặt đập liên hợp tại huyện Krông Bông.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Dak Lak đã có nhiều bước đi tích cực trong ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng như: kỹ thuật 3 giảm 3 tăng trên cây lúa, kỹ thuật thâm canh bắp lai, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau, ghép cải tạo cà phê, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống… đã góp phần hình thành một số vùng chuyên canh, ý thức của nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất vẫn còn  nhỏ lẻ, phần lớn việc thu hoạch nông sản vẫn theo phương pháp truyền thống, chưa xử lý tốt trong khâu thu hoạch, phơi sấy bảo quản nên tỷ lệ thất thoát sản phẩm sau thu hoạch còn cao: cà phê là 14-15%; cao su 5-7%; tiêu 9-10%; lúa từ 13-14%; ngô 14-15%. Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng như: nhiễm aflatoxin đối với ngô, achrotoxin A đối với cà phê… đã khiến giá hạt thương phẩm giảm từ 10 đến 20%; rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất hơn 20% cả sản lượng và chất lượng. Một trong những giải pháp tích cực mà ngành nông nghiệp đang phấn đấu là giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch tới mức thấp nhất bằng cách áp dụng hiệu quả CGH, ứng dụng các kỹ thuật sơ chế, bảo quản tiên tiến. Theo số liệu của Sở NN-PTNT: Dak Lak có trên  57.000 máy động lực các loại, với công suất 730.000 mã lực (ML) phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các khâu cày, kéo, vận chuyển, thu hoạch, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.  Có thể thấy việc đưa CGH vào sản xuất có một vai trò quan trọng trong hiện đại hóa nền nông nghiệp, giảm gần 50% số công lao động, đáp ứng được yêu cầu thời vụ, năng suất, chất lượng cao và ổn định.

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020. Theo đó, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ứng dụng cơ giới hóa nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân. Cụ thể: đối với sản xuất cà phê, tập trung vào khâu thu hái, CGH khâu phơi sấy, đẩy mạnh chế biến công nghiệp, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học ít có độ nhiễm độc tố achrotoxin A để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm cà phê nhân, giảm tỷ lệ tổn thất từ 15% xuống còn 10% vào năm 2015 và 5% vào năm 2020. Đối với sản xuất lúa, tiến hành cơ giới hóa toàn diện từ khâu làm đất đến gieo sạ, thu hoạch, phơi sấy, trong đó chú trọng CGH trong khâu gặt đập, giảm tỷ lệ tổn thất từ 14% xuống còn 10% năm 2015 và 5% vào năm 2020. Tương tự với các loại nông sản khác như cao su, tiêu, ngô cũng cần đẩy mạnh các giải pháp CGH để phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch xuống còn 7% vào năm 2015 và 2% vào năm 2020 đối với tiêu; 7% năm 2015 và 2% vào năm 2020 đối với cao su; 10% vào năm 2015, 5% vào năm 2020 đối với ngô. Trước đó,  UBND tỉnh đã phê duyệt khoản kinh phí trên 8,7 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, giai đoạn 2011-2015. Khoản kinh phí này sẽ được đầu tư để xây dựng 30 mô hình dạng tổ hợp bóc tẽ ngô, sấy nông sản; 15 mô hình dịch vụ máy gặt đập liên hợp; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 2.500 người và hỗ trợ lãi suất vay ứng dụng cơ giới hóa giảm tổn thất sau thu hoạch cây ca cao, với diện tích phát triển đến năm 2015 là 6.000 ha.

Tuy nhiên, để Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào thực tế, bên cạnh tuyên truyền khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng CGH vào sản xuất thì cần  tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển đầu tư máy móc nông nghiệp, cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở cơ khí trong tỉnh tham gia chế tạo thiết bị máy móc nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc