Cà phê già cỗi và vấn đề cải tạo, tái canh, phát triển bền vững - Nhìn từ TP.Buôn Ma Thuột
Để đánh giá cụ thể và toàn diện tình hình cơ bản của thực trạng sản xuất cà phê, đồng thời có cơ sở định hướng về tác động các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho “Chương trình phát triển cà phê bền vững”, TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành tổ chức điều tra khảo sát tình hình sản xuất cà phê của nông hộ các doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch của UBND thành phố.
Chăm sóc vườn nhân chồi cà phê phục vụ cải tạo vườn cây già cỗi. Ảnh: Đ.Đ |
Qua điều tra cho thấy, mặc dù cà phê là cây trồng chủ lực, chiếm đến 49% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của Thành phố, và là nguồn thu gắn liền với thu nhập của hầu hết nông dân, nhưng diện tích cà phê già cỗi và sắp bước vào giai đoạn già cỗi chiếm tỷ lệ rất cao so với tổng diện tích cà phê (cụ thể: cà phê trên 15 năm tuổi chiếm 60,1%, tỷ lệ cây loại B và C chiếm đến 75%). Trong đó, diện tích cà phê do các hộ cá thể quản lý và sản xuất chiếm 84%, diện tích cà phê còn lại được các đơn vị quốc doanh trên địa bàn quản lý. Vì cà phê phần lớn được trồng từ những năm trước 1995 nên chủ yếu là giống cây thực sinh và không được chọn lọc tốt, đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài sự ảnh hưởng của giống đến năng suất, chất lượng cà phê thì việc tác động các biện pháp trong sản xuất cà phê của nông dân hiện nay cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Nhìn chung, việc sử dụng phân bón cho cà phê chưa đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; liều lượng và phương pháp bón phân của nông dân hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Một số trường hợp không đủ điều kiện để đầu tư phân bón đảm bảo đúng và đủ theo liều lượng, ngược lại một ít trường hợp đầu tư thái quá dẫn đến vườn cây bị khai thác quá mức, rút ngắn vòng đời của cây cà phê. Về tưới tiêu thì nguồn nước tưới từ giếng tự đào chiếm phần lớn (76,6%), số diện tích còn lại thì được tưới từ các nguồn khác nhau: từ kênh thủy lợi, từ ao, hồ, từ suối… Vẫn còn có hiện tượng thiếu nước tưới ở các lần tưới thứ 4, 5, nhất là các khu vực có mực nước ngầm thấp. Hiện nay phương pháp tưới thẳng vào gốc vẫn chiếm đa số, biện pháp tưới tiết kiệm ít được áp dụng. Phương thức tưới dí vào gốc tốn rất nhiều công, gây xói mòn lớp đất mặt, tạo điều kiện cho việc lây lan sâu bệnh, phát triển cỏ dại và lượng nước hao phí rất nhiều trong mùa khô. So với những năm về trước, tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có giảm, tuy nhiên do thời tiết Tây Nguyên có 2 mùa, mưa và khô, tạo điều kiện cho một số đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên cà phê như: rệp sáp các loại (nguy hiểm nhất là rệp sáp trắng hại hoa, cành, rễ), bệnh rỉ sắt, nấm hồng, khô cành, thối thân, quả thường phát sinh và lây lan…vì thế 100% hộ sản xuất cà phê có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có đến 86% sử dụng thuốc hóa học, còn lại là vừa sử dụng thuốc hóa học kết hợp thuốc sinh học. Nông dân sử dụng thuốc hóa học theo khuyến cáo của nhà chuyên môn chiếm tỷ lệ còn thấp (23%), một số nông dân thấy xuất hiện sâu bệnh thì đem thuốc bơm, vô tình làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm cà phê.
Cà phê được cải tạo bằng biện pháp ghép chồi. |
Trong sơ chế cà phê cũng chỉ sử dụng biện pháp phơi khô là chủ yếu, trong đó có 64% là có sân phơi, còn lại là phơi trên đất, hoặc phơi bằng bao bạt, có 2% số hộ sử dụng biện pháp sấy cà phê. Hầu hết sản phẩm cà phê tiêu thụ thông qua tư thương gần nhà (82%) sau khi thu hoạch, chỉ một ít hộ bán cho các công ty lớn hoặc ký gửi chờ cơ hội cao giá mới bán.
Để từng bước giải quyết những tồn tại trong sản xuất cà phê của nông dân, tháng 6-2010 Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại TP. Hồ Chi Minh đã có sáng kiến thành lập nhóm “Hợp tác Công Tư phát triển cà phê bền vững” do Cục trồng trọt và Công ty Nestlé Việt Nam đồng chủ trì với sự tham gia của WASI, IPSARD, VICOFA, các hiệp hội quốc tế như 4C, Rain forest và một số danh nghiệp khác. Nhóm đã đề xuất thực hiện hai dự án thí điểm theo mô hình hợp tác Công - Tư tại hai tỉnh Lâm Đồng và Dak Lak, nhằm xây dựng mô hình bền vững và tiến đến việc mở rộng qui mô dự án lên cấp quốc gia. Dự án thí điểm của chương trình phát triển cà phê bền vững được xây dựng trên ba phương diện chính: Xã hội, môi trường và kinh tế. Chương trình được thành lập dựa trên sự tự nguyện hợp tác giữa các nhà sản xuất, kinh doanh cà phê và bà con nông dân với mong muốn vì một ngành cà phê bền vững ở hiện tại và tương lai. Bà con nông dân sản xuất cà phê khi tham gia chương trình được các chuyên gia về cà phê tập huấn miễn phí về kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc vườn cà phê; tập huấn về bảo vệ sức khỏe trong sản xuất, bảo vệ môi trường, môi sinh. Bà con phải tham gia đầy đủ các hoạt động như: tập huấn trên lớp, tập huấn tại vườn, tuân thủ thực hành sản xuất tốt trên vườn cây, thực hiện theo hướng dẫn về qui trình bón phân cho cà phê, nếu cần thiết phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo bốn đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ), thu hoạch đúng độ chín, đúng kỹ thuật và bảo quản tốt. Tất cả những hoạt động sản xuất trên vườn cây cần ghi chép đầy đủ và kịp thời. Sản phẩm cà phê thu hoạch bà con tự do bán cho công ty thông qua các đại lý tại địa phương mà bà con chọn, với giá tương đương hoặc có hỗ trợ so với giá thời điểm của thị trường. Đây là một chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ giữa bốn nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa hoc và nhà doanh nghiệp. Đến thời điểm này, diện tích cà phê tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững chỉ riêng TP. Buôn Ma Thuột chiếm gần 20% trên tổng diện tích cà phê. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tác động nhằm tăng năng suất, chất lượng cà phê, góp phần kéo dài tuổi thọ vườn cây trong thời gian khai thác đối với những diện tích cà phê trong thời kỳ còn “trẻ, khỏe”, góp phần ổn định sản lượng. Còn đối với những diện tích cà phê quá già cỗi chỉ còn biện pháp cải tạo, tái canh là hữu hiệu nhất. Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, nếu không tái canh kịp thời thì trong mười năm tới sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm đột ngột khi vườn cây già lên đến 50% (như trường hợp của Colombia là một ví dụ). Việc giảm sản lượng cà phê đột ngột không những mất đi vị trí cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân trồng cà phê trên địa bàn, đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại của đất nước.
Theo đề nghị của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak đã chỉ đạo tiến hành điều tra, rà soát diện tích cà phê già cỗi từ 2012 - 2015 để có kế hoạch hỗ trợ về giống tái canh trong từng năm. Từ 2011 đến nay, Sở NN & PTNT đã tiến hành hỗ trợ 2 đợt hạt giống và một đợt cây giống cà phê cho nông dân tái canh. Mặc dù lượng giống hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu tái canh hằng năm, song đã phần nào tạo điều kiện cho nông dân giải quyết những khó khăn trước mắt. Vì như theo điều tra, diện tích cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản chiếm chỉ 7% tổng diện tích cà phê, qua đó cho thấy việc tái canh cà phê (thay thế những diện tích cà phê già cỗi) trong thời gian qua vẫn chưa phát triển mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tái canh cà phê chậm, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do diện tích cà phê của các nông hộ nhỏ lẻ, không tập trung, thiếu điều kiện quản lý, chăm sóc trong thời gian nhổ bỏ để cải tạo đất bằng các loại cây trồng ngắn ngày khác (cây lương thực, thực phẩm…); mặt khác, trong thời gian dài (2-3 năm) nhổ bỏ cà phê để cải tạo đất, chuẩn bị cho việc trồng lại, một số nông dân không có nguồn thu khác để sinh sống. Ngoài ra, một số hộ không có điều kiện để mua giống cà phê tái canh, mặc dù cà phê đã quá già cỗi, năng suất rất thấp nhưng nông dân vẫn cứ tận thu đến khi vườn cà phê cùng kiệt, điều này gây nguy cơ thiệt hại càng lớn về sau.
Phát triển cà phê bền vững là sự phát triển trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, nhất là an ninh nông thôn. Vì thế cần tăng cường phát triển nhân rộng “chương trình sản xuất cà phê bền vững” trong nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất cà phê. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp để nông dân tái đầu tư sản xuất. Tăng cường đầu tư công nghệ cao trong sản xuất cà phê như: nhân tạo các giống cà phê mới, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê…, tăng cường hỗ trợ nông dân về các điều kiện trong cải tạo, tái canh trên những diện tích cà phê già cỗi nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng, duy trì ổn định sản lượng cà phê trên địa bàn, góp phần tạo dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hồ Thị Cẩm La
Ý kiến bạn đọc