Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drak: Nông dân nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch nông sản phục vụ Tết Nguyên đán

09:10, 25/01/2013

Những ngày giáp tết Nguyên đán đang cận kề, đáp ứng nhu cầu mua bán trong dịp này, nông dân huyện M’Drak cũng nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch nông sản với mong muốn có được mùa bội thu.

Anh Bùi Văn Cập bên ao cá chuẩn bị  thu hoạch.
Anh Bùi Văn Cập bên ao cá chuẩn bị thu hoạch.

Gia đình anh Bùi Văn Cập ở thôn 5, thị trấn M’Drak đang chuẩn bị cho đợt thu hoạch cá. Trên diện tích ao cá hơn 5.000m2, mỗi tháng gia đình anh thả nhiều đợt cá với nhiều chủng loại, thu hoạch 1 lần được từ 3-4 tạ cá, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/đợt. Riêng trong đợt thu hoạch cho dịp tết này, gia đình anh Cập sẽ tăng lượng cá thu hoạch lên 1 tấn, tập trung vào các giống cá phù hợp với nhu cầu thị trường dịp tết như: cá chép, trắm, trôi, rô phi… dự kiến mang lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Đức Thái (ở thôn 8, xã Ea Riêng) những ngày này lượng xe vào ra liên tục để dạm mua đàn heo 30 con chuẩn bị xuất chuồng. Hiện nay giá heo đang có xu hướng tăng trở lại khiến anh Thái băn khoăn, chưa dám chốt giá. Sau thời gian tụt giá, heo hơi đang trở lại mức 40.000 – 42.000 đồng/kg. Anh Thái dự tính đến ngày 20 tết, 30 con heo cho thu hoạch khoảng 2,6 tấn thu về hơn 100 triệu đồng sẽ giúp gia đình bù lỗ các đợt dịch bệnh vừa qua.

 Gia đình  chị Nguyễn Thị Thuần tập trung chăm sóc vườn  hoa Tết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thuần tập trung chăm sóc vườn hoa Tết.

Không chỉ người làm chăn nuôi nhộn nhịp với việc chuẩn bị hàng cho ngày Tết mà các hộ trồng hoa cũng bận rộn không kém. Những ngày này cả gia đình chị Nguyễn Thị Thuần (thôn 12, thị trấn M’Drak) tập trung chăm sóc vườn hoa để kịp thu hoạch đại trà vào ngày 23 âm lịch. Để chuẩn bị cho vụ hoa tết, gia đình chị Thuần đã xuống giống từ cách đây gần 3 tháng và chủ yếu trồng các loại hoa thời gian đầu tư ngắn ngày, phù hợp với thị trường tết như lay ơn, cúc vàng, hoa đồng tiền… Hiện nay gần 1 sào hoa của gia đình chị phát triển khá thuận lợi, cây lớn đều, nẩy búp tròn và nhiều nụ. Để bảo đảm cho vườn hoa nở đúng dịp, gia đình chị Thuần đã phải kéo điện thắp sáng, có khi phải thức trắng đêm để chăm sóc vườn hoa. Chị Thuần cho biết, vụ hoa tết năm nay gia đình chị có thể thu từ 30 - 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư và nhân công, gia đình thu lãi khoảng 15 – 20 triệu đồng.

Thời điểm này, người dân trồng rau cũng đang chạy đua với thời gian. Trước đó nông dân các nơi trên địa bàn huyện đã xuống giống hàng chục héc ta rau màu phục vụ tết Nguyên đán. Nhiều hộ gia đình cho biết, so với các vụ trong năm, trong vụ tết người dân thường xuống giống nhiều loại hơn. Nhờ vậy, các vụ rau tết bao giờ cũng đem lại nguồn thu nhập cao. Các loại rau như cải, xà lách, mồng tơi… mỗi sào cho thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/1 vụ (trồng trong thời gian từ 30-50 ngày, tùy từng loại). Rau lấy quả dài ngày các loại như bí chanh, khổ qua, đậu… 1 sào cho thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng/1 vụ (trồng trong thời gian 5 tháng). Bên cạnh vụ rau Tết này, nông dân còn trồng xen nhiều loại rau khác, thu hoạch rải rác trước, trong và sau tết Nguyên đán, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vừa tạo điều kiện ổn định đầu ra và giá cả cho sản phẩm.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.