Khi nông dân cà phê vung tay... sắm tết!
Mùa thu hoạch cà phê hằng năm cũng là dịp giáp Tết Nguyên đán. Nhờ có nguồn thu từ cà phê, nhất là khi được mùa được giá, người nông dân lại rộn ràng đi sắm tết. Tuy nhiên, việc mua sắm này cũng có nhiều hệ lụy...
Đua nhau sắm Tết
Dak Lak có tổng diện tích cà phê hơn 200.000 ha, trong đó diện tích do tư nhân sở hữu chiếm tới trên 85%, số còn lại là của các Công ty cà phê trồng liên kết với người dân. Điều đó cho thấy đây không chỉ là loại cây trồng mang tính chủ lực của ngành nông nghiệp Dak Lak mà nó còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống, kinh tế của hàng trăm ngàn hộ dân trong tỉnh. Là cây công nghiệp dài ngày, người dân phải bỏ chi phí đầu tư, công chăm sóc gần một năm ròng, từ những ngày đầu năm đến dịp giáp Tết Nguyên đán mới được thu hoạch. Vì vậy, mọi chi tiêu, mua sắm trong mỗi gia đình người dân cũng gần như chỉ trông chờ vào mùa thu hoạch, bán sản phẩm cà phê. May mắn là những năm gần đây, giá sản phẩm cà phê nhân luôn ở mức cao (trung bình 38.000 - 45.000 đồng/kg nhân) nên người trồng cà phê thu lợi khoảng 60 - 100 triệu đồng/ha; hơn nữa, việc đầu tư trồng cà phê ngày càng tập trung hơn, mỗi hộ trồng kinh doanh, ít thì 5 - 7 sào, nhiều thì từ 2 đến hàng chục ha. Như vậy suy ra điều kiện kinh tế để mua sắm dịp cuối năm cũng khá dồi dào, đặc biệt càng về gần Tết Nguyên đán thì nhu cầu mua sắm của người dân lại càng tăng cao, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, trang thiết bị sinh hoạt, phương tiện đi lại… Anh Đinh Văn Hùng ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha cà phê, năm nay thu hoạch được khoảng 8 tấn cà phê nhân, lãi chừng 200 triệu đồng. Thấy mấy hộ hàng xóm đi sắm đồ nên vừa qua, sau khi hoàn tất việc phơi sấy và bán cà phê, vợ chồng tôi đã lên TP. Buôn Ma Thuột sắm ngay về một chiếc xe máy trị giá trên 40 triệu đồng, mua cho vợ và 2 con mấy bộ quần áo mới để chơi Tết; ngoài ra tôi còn tậu một giàn Karaoke có giá trên 10 triệu đồng nữa để hát cho vui!”.
Các tiểu thương đưa hàng hóa về tận các xã bày bán, phục vụ nhu cầu mua hàng tăng cao của người dân. |
“Cầu lớn thì cung phải lớn” - để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm này, hầu khắp các cửa hàng, trung tâm mua sắm hàng điện tử, xe máy, tạp hóa… ở các thị trấn, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường nhập về các mặt hàng kinh doanh, với đa dạng mẫu mã và chất lượng. Người dân không phải đi một quãng đường xa từ các huyện lên thành phố Buôn Ma Thuột để mua sắm như những năm trước đây nữa. Anh Trần Mạnh, chủ một cửa hàng bán xe máy ở thị trấn huyện Krông Năng cho biết: vào dịp cuối năm này sức mua của người dân trong huyện tăng khá mạnh, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, cửa hàng của anh đã bán được trên 150 xe máy các loại (tăng 70% so với những tháng trước đó), đặc biệt là những dòng xe tay ga cao cấp đắt tiền rất được ưa chuộng. Sắp tới cửa hàng sẽ nhập thêm những sản phẩm xe mẫu mới ra để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của bà con.
Và những hệ lụy...!
Dẫu biết rằng nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm là rất cần thiết, song không phải ai cũng biết cách chi tiêu cho hợp lý, nên đã có không ít chuyện “dở khóc dở mếu” tiền mất, nợ mang. Từ nhu cầu mua hàng hóa của người dân tăng đột biến trong dịp cuối năm, đã có nhiều loại hàng hóa giả mạo trà trộn trên thị trường, trong khi hiểu biết của người dân còn hạn chế. Đơn cử như trường hợp của anh Đặng Hữu T. ở xã Buôn Triết, huyện Lak, sau khi bán một phần trong số cà phê nhân mới thu hoạch, anh lên chợ huyện mua một số vật dụng như nồi cơm điện, bếp điện hồng ngoại và lò nướng điện về dùng. Anh than thở: thấy mẫu mã đẹp, lại được chủ cửa hàng giới thiệu nhiệt tình nên mua về, nhưng chỉ sử dụng được vài lần thì hầu hết đều bị hỏng, riêng nồi cơm điện nấu cơm không chín. Bức xúc, anh đã ra lại nơi bán, yêu cầu đổi trả, nhưng chủ cửa hàng không nhận, vì nhãn mác bị bong tróc. Chưa hết, lợi dụng sau mùa thu hoạch cà phê, người dân sẽ có tiền nên đã có không ít các tiểu thương đưa hàng về rao bán tận các thôn, buôn; bên cạnh hàng thật thì cũng có không ít những đồ điện tử, đến vật dụng xoong, nồi… nhái các thương hiệu nổi tiếng. Với hàng loạt các chiêu thức như mua một tặng một, mua hàng sẽ được nhận quà khuyến mãi hay bốc thăm trúng thưởng nên bà con rủ nhau mua vì cho là giá rẻ, lợi cao. Đến khi sử dụng thì hầu hết đều không hỏng bộ phận này thì cháy nổ bộ phận khác. Anh Y Sinh Niê ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar than thở: Hôm đó, cả nhà đang ăn cơm thì có 2 người đậu ôtô ngoài cổng rồi bước vào ngỏ ý muốn bán một bếp gas, là hàng của siêu thị Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột do họ đi giao hàng cho khách thừa ra được một vài chiếc nên “để rẻ”, với giá chỉ bằng ½ giá trị gốc. Để chứng minh nguồn hàng, họ đưa ra một số giấy tờ giới thiệu về sản phẩm. Tưởng thật, anh đã mua với giá 4 triệu đồng, nhưng khi nấu thì thấy ngọn lửa không đều, công tắc bật bị kẹt nên gọi điện thoại lên bộ phận chăm sóc khách hàng của siêu thị Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột để hỏi, thì mới biết siêu thị này chỉ bán và giao hàng tại siêu thị, chứ không đưa hàng về các huyện. Tìm hiểu, anh Y Sinh mới biết chiếc bếp gas trên là hàng nhái, sản xuất tại Trung Quốc. Dịp cuối năm nhiều loại hàng được giảm giá hoặc khuyến mãi, nhằm thu hút khách mua. Tận dụng thời cơ này, nhiều người cứ “liều” mua, thậm chí nhiều vật dụng chưa thực sự cần thiết trong gia đình cũng sắm về bằng được, bởi sẵn có tiền trong tay, đến khi nhìn lại thì tiền cũng cạn túi, và chỉ được một cái Tết đủ đầy thì mang nợ cả năm. Sau khi ăn Tết xong thì việc đầu tư chi phí tiếp tục cho cây trồng, vật nuôi khác, nhất là cây cà phê khá tốn kém, khiến nhiều hộ phải đi vay nợ lãi để đầu tư.
Đây là thực trạng đã xảy ra nhiều năm nay, song để sớm thay đổi tư duy khi quyết định mua sắm trong dịp cuối năm thì không phải chuyện “một sớm một chiều”. Để có một cái Tết vui vẻ, thoải mái và mùa vụ cà phê năm tới thắng lợi thì bà con cũng nên chú trọng dành tiền cho việc đầu tư, chăm sóc, bảo đảm năng suất, chất lượng cho cây cà phê sau một mùa thu hoạch.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc