Nông dân Krông Ana thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Bằng sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế cộng thêm “trợ lực” của các cấp hội, hội viên nông dân huyện Krông Ana đã phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, vươn lên làm giàu. Qua đó góp phần phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn.
Từ sự “trợ lực” của Hội
Với tổng số trên 10.200 hội viên là lực lượng chính trong sản xuất, kinh doanh ở địa phương, những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Krông Ana luôn chú trọng triển khai các biện pháp giúp nông dân phát triển kinh tế. Ngoài việc tín chấp, làm “cầu nối” cho hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn 120, Quỹ “Hỗ trợ nông dân”, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con có năng suất cao; trong đó nổi bật như mô hình trồng nấm, ngô lai, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp… Hội cũng đã chủ động giới thiệu những mô hình mới để nông dân học hỏi, áp dụng trong sản xuất như trồng măng tây xanh, hoa, cây cảnh, nuôi ba ba, heo rừng, ếch, gà sao… Ngoài ra, với lợi thế là huyện có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh (trên 10.000 ha), Hội chú trọng việc hướng dẫn nông dân đưa các giống lúa lai vào sản xuất, phát triển mô hình lúa – cá. Đồng thời phối hợp tổ chức 108 buổi hội thảo, tín chấp cho nông dân mua 2.365 tấn phân trả chậm; tổ chức 26 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi thu y, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp…
Trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Cam. |
Từ sự hỗ trợ thiết thực trên, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ vậy, số hội viên đạt danh hiệu SXKD giỏi ngày càng nhiều. Tính đến cuối năm 2012, toàn huyện có 2.800 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, tăng 763 hộ so với năm 2007. Trong đó cấp tỉnh 157 hộ, cấp huyện 532 hộ, cấp xã 2.031 hộ. Điều đáng nói là trên từng lĩnh vực như kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ… đều có những cá nhân điển hình tiên tiến với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Những nông dân SXKD giỏi không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm ổn định và giúp vốn, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất cho những hội viên khó khăn vươn lên cải thiện cuộc sống.
Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình
Tuy làm giàu ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng những hộ nông dân SXKD giỏi đều có điểm chung là dám nghĩ dám làm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để không ngừng tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên từng sản phẩm và đơn vị diện tích; biết tổ chức sản xuất, phân công lao động hợp lý và chi tiêu tiết kiệm.
Với tổng diện tích sản xuất 7,5 ha, gia đình chị Trần Thị Loan ở thôn Buôn Triết (xã Dur Kmăn) đã quy hoạch hợp lý để xây dựng trang trại VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình chị đầu tư trồng 5 ha lúa cao sản, mỗi năm thu được trên 65 tấn thóc. Khi đã có vốn, chị mạnh dạn thuê máy múc 2 ha mặt nước nuôi cá, thả 1.000 con vịt đẻ trứng và xây dựng chuồng chăn nuôi 20 heo mẹ, 100 heo thịt. Chị loan cho biết: với đặc thù của vùng đất trồng lúa, trước đây gia đình chị phát triển kinh tế chủ yếu là độc canh cây lúa. Qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng do HND phối hợp tổ chức, vợ chồng chị đã thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm và mạnh dạn xây dựng mô hình đa cây, đa con, nhờ vậy mỗi năm gia đình thu lãi trên 300 triệu đồng và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.
Để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và hạn chế rủi ro, gia đình ông Hoàng Văn Cam ở tổ dân phố Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) đã chọn hướng phát triển đa cây, đa con. Ông Cam cho hay: trước kia, ngoài trồng lúa, cà phê, gia đình ông chỉ chăn nuôi thêm vài con heo. Sau khi được HND tổ chức đi tham quan, học tập các mô hình, tín chấp vay vốn, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, ông bán 1,5 ha cà phê để mua thêm ruộng và phát triển chăn nuôi. Hiện tại, với 5 ha lúa, 8 sào ao cá, trên 1.700 con gà, vịt, gần chục con heo, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, còn có rất nhiều điển hình trong phong trào SXKD giỏi như gia đình ông Vũ Tiến Đáng ở buôn Kala (xã Dray Sáp) với mô hình cà phê, tiêu, chăn nuôi gà, thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng, đã giúp đỡ 5 hộ nghèo về gà giống trả sau không lấy lãi, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi nhiều hội viên địa phương; hộ ông Nguyễn Văn Phiến ở thôn 5 (xã Bình Hòa) với 17 ha lúa nước, 2 sào ao cá, 2 sào rau xanh cho thu nhập mỗi năm 360 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động, giúp 2 hộ thoát nghèo; hộ ông Nguyễn Ngọc Thành ở buôn Ea Kruế (xã Ea Bông) với mô hình cà phê xen tiêu, sầu riêng và kinh doanh dịch vụ, bình quân hàng năm thu nhập trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu cho 33 hộ...
Có thể khẳng định: phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện Krông Ana ngày càng phát triển sâu rộng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, giúp nông dân tạo việc làm tăng thu nhập một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc