Rau an toàn - hướng đi bền vững cho nông dân
Nếu như trước đây, việc trồng rau của người dân chỉ để đáp ứng cho bữa ăn gia đình, hoặc trồng bán với tính chất lợi nhuận là chính, ít quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thì đến nay tại không ít vùng trồng rau chuyên canh của tỉnh, nhất là ở khu vực TP. Buôn Ma Thuột, bà con đã chuyển sang sản xuất rau an toàn đại trà, đem lại hiệu quả kinh tế khá, hứa hẹn một hướng đi bền vững cho người trồng rau.
Việc trồng rau an toàn đã trở thành một nghề đầy hứa hẹn, đem lại thu nhập cao cho người dân tại một số xã, phường của TP. Buôn Ma Thuột. |
Mở rộng vùng trồng rau an toàn
Tỉnh Dak Lak có diện tích gieo trồng rau hằng năm trên 8.000ha (từ năm 2010 đến nay), với sản lượng gần 130 nghìn tấn rau các loại/năm, tập trung nhiều nhất tại các vùng như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pak, Krông Bông, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ. Tuy nhiên, nơi được các nhà chuyên môn đánh giá là vùng trồng rau với tiêu chuẩn an toàn lớn nhất là khu vực TP. Buôn Ma Thuột, chiếm tới gần 40% sản lượng rau an toàn của tỉnh, trồng chủ yếu tại các xã ven đô như Hòa Khánh, Ea Kao, Hòa Xuân, phường Khánh Xuân… Trước đây, việc sản xuất rau của bà con còn khá manh mún, ít được quan tâm đầu tư xứng tầm, một số hộ trồng chuyên canh thì chạy theo lợi nhuận là chính, không chú tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau đại trà theo hướng an toàn, khiến cho sản phẩm đầu ra gặp nhiều rủi ro về giá cả cũng như làm ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ. Trước những khó khăn, thách thức đó, ngành chức năng tỉnh và các địa phương có vùng trồng rau đã không ngừng khuyến cáo, hướng dẫn bà con sản xuất rau chuyên canh theo hướng tập trung, an toàn cho sức khỏe người trồng rau và cộng đồng xã hội. Thông qua hàng loạt các chương trình, hội thảo và lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn được tổ chức hằng năm tại các phường, xã canh tác rau, đã góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, khơi dậy niềm tin, bảo đảm tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Giờ đây, người trồng rau ở khu vực TP. Buôn Ma Thuột đã thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng chuyên canh rau an toàn, đem lại hiệu quả rất khả quan. Ông Châu Ngọc Nhất, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Khánh cho biết, hiện nay, địa phương đã triển khai được nhiều mô hình trồng rau an toàn, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap để bà con ứng dụng. Qua đó, đã có nhiều hộ dân áp dụng và đầu tư khá chuyên sâu (hiện có gần 50% số hộ trong xã trồng rau), ít thì 1- 3 sào, nhiều thì lên đến cả ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn 9, 10, 11, 12… Tại phường Khánh Xuân, rau của bà con cũng đã có mặt tại hầu khắp các chợ trong khu vực thành phố và một số siêu thị như Co.op Mart, Metro Buôn Ma Thuột. Nắm vững kỹ thuật trồng rau an toàn, đồng thời được triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm trồng rau an toàn tại địa phương, bà con nơi đây đã không ngừng học hỏi, chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rau và quy mô sản xuất theo hướng chuyên sâu. Anh Nguyễn Mạnh Hưng ở thôn 3, Phường Khánh Xuân chia sẻ: những năm trước việc trồng rau khá vất vả vì công tác bón phân và chăm sóc không theo quy trình, cứ thấy rau bị sâu bệnh, kém xanh thì mới bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vì vậy không những không hiệu quả mà rau còn bị sâu bệnh nhiều và thị trường tiêu thụ thu hẹp dần. Trong khi đó, nhiều hộ trồng rau vì lợi nhuận trước mắt mà phun các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hôm trước, hôm sau đã cắt bán, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Từ khi bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau an toàn, đã áp dụng khá hiệu quả, từ khâu xử lý đất đến việc trồng rau và bón phân, phun thuốc BVTV đúng kỹ thuật, vì vậy rau luôn xanh tốt, ít sâu bệnh; nguy cơ mầm bệnh từ lứa rau trước đến lứa sau gần như không có mà đến khi xuất bán cũng rất an toàn cho người sử dụng. Anh Hưng cho biết thêm, năm qua, gia đình anh được Chi cục BVTV tỉnh đầu tư thực hiện khá hiệu quả mô hình trồng 250m2 rau các loại theo tiêu chí an toàn. Đến nay, anh đã nhân rộng mô hình này trong toàn bộ 2 sào rau nhà mình và còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ khác trong xã làm theo. Thực tế cho thấy, việc sản xuất rau an toàn không chỉ có lợi cho sức khỏe, mà còn nâng cao năng suất rõ rệt so với sản xuất rau theo tập quán cũ.
Hiệu quả cho hướng canh tác bền vững
Ý nghĩa lớn nhất của việc sản xuất rau an toàn là người dân vừa tham gia sản xuất lại được tiếp cận với hướng canh tác mới, an toàn, chi phí đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế lại cao. Điều đó đã được khẳng định qua thực tiễn sản xuất rau những năm gần đây của nhiều hộ dân các xã, phường ven TP. Buôn Ma Thuột. Chị Lê Thị Thu Nga ở xã Hòa Khánh chia sẻ: việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm không vất vả, chủ yếu là sử dụng phân vi sinh, hạn chế phân hóa học nên chi phí đầu tư thấp (khoảng 5 triệu đồng/sào/lứa rau), chỉ bằng 1/2 so với đầu tư trước đây. Hiện gia đình chị đang trồng 5 sào rau các loại, bình quân mỗi lứa rau (từ 2- 3 tháng tùy từng loại rau) chị thu lãi chừng 10 - 15 triệu đồng, và do trồng kế lứa nên hầu như ngày nào cũng có rau bán, thị trường đầu ra khá ổn định. Sắp tới chị sẽ trồng thêm những loại rau trái vụ, tăng thêm thu nhập và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Nhu cầu các sản phẩm rau sạch trong thời gian qua ở TP. Buôn Ma Thuột đạt mức tăng trưởng khá tốt, giá rau cũng tăng nhẹ, giúp người nông dân trồng rau tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi hộ nông dân có khoảng 2 đến 3 sào đất nông nghiệp chuyển sang trồng rau, sau khi trừ chi phí mức lãi ròng có thể thu được 15 triệu đồng/tháng. Trồng rau cũng không chiếm nhiều công lao động, với diện tích khoảng 3 sào, chỉ cần hai công lao động có thể chăm sóc cả vườn rau cho đến khi thu hoạch. Ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Xuân cho biết: những năm qua, thu nhập từ rau màu của nông dân trong phường đều đạt giá trị bình quân từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, điển hình có nhiều mô hình làm giàu như hộ chị Phạm Thị Trà ở thôn 7, ông Lê Văn Huấn, Trần Đình Trọng, thôn 9… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng rau. Phải thừa nhận rằng, trồng rau màu đang là nghề chủ lực của địa phương, tạo thu nhập cao và ổn định, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho rất nhiều hộ gia đình. Sắp tới địa phương có định hướng quy hoạch vùng trồng rau an toàn để thu hút các nhà đầu tư, cùng người dân thực hiện những mô hình sản xuất rau sạch hiện đại.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc