Multimedia Đọc Báo in

Sau gần 3 năm đưa vào sử dụng: Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột vẫn đìu hiu, vắng khách

10:18, 07/01/2013

Để giảm áp lực xe vào trung tâm thành phố, UBND tỉnh đã có chủ trương cho xây dựng Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đưa vào sử dụng, mọi hoạt động tại đây vẫn trong tình trạng ngoài bến nhộn nhịp, trong bến đìu hiu.

Đìu hiu  bến xe khách phía Nam.
Đìu hiu bến xe khách phía Nam.

Trạm dừng nghỉ và Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột được xây dựng từ năm 2007, diện tích trên 13.000m2, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, do Công ty TNHH Rạng Đông đầu tư và quản lý. Để từng bước ổn định hoạt động vận tải hành khách tại Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột, trước đó UBND tỉnh đã có công văn số 1134/UBND-CN về việc điều chuyển một số tuyến vận tải khách cố định từ hướng Buôn Ma Thuột đi các tỉnh phía Nam và ngược lại sẽ không đón trả khách tại Bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột mà phải chuyển về bến xe phía Nam. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có Công văn số 922/CĐBVN-VT chuyển 13 tuyến vận tải cố định đang hoạt động tại bến xe phía Bắc sang bến xe phía Nam, gồm các tuyến từ TP. Buôn Ma Thuột đi các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Nai, TP.HCM, Cà Mau, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Hậu Giang và Cần Thơ. Thời gian đầu, mặc dù có sự chỉ đạo sát sao của địa phương cũng như các cơ quan chức năng, nhưng do chưa quen nên cả doanh nghiệp (DN) vận tải và hành khách đều không mặn mà với bến mới, khiến hoạt động vận tải khách tại đây rất trầm lắng. Thậm chí, nhiều xe khách mặc dù có đăng ký nhật trình tại bến, nhưng lại bắt khách tại nhà và dọc các tuyến phố. Tình trạng này kéo dài trong thời gian qua, khiến hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố hết sức lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa DN hoạt động chân chính (có nhật trình xuất và nhập bến theo quy định) với DN không tuân thủ theo quy định, dẫn đến hành khách vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Theo thống kê của đơn vị quản lý bến xe: có thời điểm số lượng xe vào bến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng đó, để thu hút DN, Công ty vẫn giữ nguyên mức giá lệ phí bến từ năm 2009 đến nay và không ngừng nâng cao các hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu DN vận tải cũng như hành khách như: nhà hàng ăn uống, nhà vệ sinh có thiết kế riêng cho người khuyết tật, các dịch vụ y tế, sách báo, quầy hàng giới thiệu và bán các sản phẩm của địa phương… nhưng một số DN vẫn không mặn mà. Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đến bến, đơn vị cũng trang bị 1 xe trung chuyển 7 chỗ ngồi, khi DN vận tải ủy thác đón khách thì sẵn sàng phục vụ. Nhưng cả một thời gian dài hầu như không có một chuyến xe trung chuyển nào hoạt động do các DN đều tự đón khách tại nhà nên đơn vị đành phải bán xe.

Để hoạt động vận tải dần đi vào nề nếp, những tháng cuối năm 2012, các cơ quan chức năng không ngừng tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về việc đón, trả khách không đúng nơi quy định, nhất là các xe chạy tuyến Buôn Ma Thuột đi các tỉnh phía Nam. Theo đó, trong tháng 9-2012, lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) mở đợt cao điểm xử lý vi phạm đối với các trường hợp đón, trả khách tại nhà và các tuyến phố. Trong tháng cao điểm, cơ quan chức năng đã huy động tối đa lực lượng, tập trung kiểm tra vào khoảng thời gian từ 18 đến 22 giờ - là thời điểm các xe vận tải tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh thường lợi dụng ban đêm, tranh thủ lúc vắng bóng lực lượng chức năng để đón khách tại nhà. Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt 47 trường hợp vi phạm, trong đó có tới 29 trường hợp đón, trả khách không đúng nơi quy định (chủ yếu là xe chạy hợp đồng trá hình xe chạy tuyến cố định). Trong thời gian đó, Sở GTVT cũng có nhiều văn bản đề nghị các xe chạy hợp đồng phải chuyển sang tuyến cố định tại Bến xe phía Nam. Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: sau đợt thanh tra, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, một số xe của các DN như Thu Đức, Năm Thùy, Quang Trung… thường đón, trả khách trên các tuyến phố đã “chịu” vào bến. Theo thống kê, trong tháng 10-2012, tại Bến xe phía Nam có 1.233 lượt xe, với gần 30.000 lượt khách tuyến Dak Lak – Hồ Chí Minh; 56 lượt xe, trên 1.000 lượt khách tuyến Dak Lak – Bà Rịa Vũng Tàu; 82 lượt xe, gần 2.000 lượt khách tuyến Dak Lak - Đồng Nai… xuất bến. Tuy nhiên, cứ hết thời gian thanh tra, đâu lại vào đó, bến xe vẫn đìu hiu chờ xe, chờ khách; còn các tuyến phố phải oằn lưng gánh chịu xe bắt khách không đúng nơi quy định. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty bức xúc: một số DN mặc dù đã đăng ký nhật trình xuất bến, nhưng chỉ khi nào lực lượng chức năng làm mạnh tay thì mới thực hiện nghiêm chỉnh, còn lại chỉ thực hiện một cách đối phó. Thậm chí, một số nhà xe cho xe vào bến mà không có một hành khách nào rồi đề nghị bến xác nhận nhật trình để sau đó vòng vo đón khách dọc phố hoặc ở các xã lân cận. Trước thực tế đó, đơn vị mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là Sở GTVT cần có chế tài nghiêm đối với các chủ xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; nếu vi phạm nhiều lần có thể rút giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô để góp phần hạn chế tình trạng nói trên.

Phải khẳng định rằng, chủ trương xây dựng bến xe phía Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm áp lực cho Bến xe phía Bắc và hạn chế tình trạng đón, trả khách trên các tuyến phố. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng và đơn vị quản lý bến thì hiệu quả khó mà đạt được như mong muốn…

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.