Đưa cá tầm lên núi
Được mệnh danh là món ăn quý tộc, cá tầm được biết đến thuộc chi cá cổ nhất còn tồn tại với 21 loài, có nguồn gốc tại các vùng nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Ở Việt Nam, cá tầm xứ Bạch Dương được nuôi chính thức vào năm 2007. Đến nay, Tập đoàn cá tầm Việt Nam đã mở được 5 cơ sở và Dak Lak được xem là cơ sở lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này đã mở ra triển vọng mới cho Dak Lak về phát triển các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Cá tầm di cư lên núi
Nằm giữa bốn bề là núi, hồ thủy điện buôn Tua Srah với dung tích 430 triệu m3, thuộc địa bàn xã Nam Ka, huyện Lak được xem là địa điểm lý tuởng để nuôi loài cá quý hiếm và có giá trị kinh tế cao đến từ xứ sở Bạch Dương – cá tầm.
Theo chân anh Đinh Trọng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam-Dak Lak vượt qua một đoạn khá dài cầu phao bồng bềnh, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các công nhân đang lặn xuống các lồng cá để kiểm tra nhiệt độ của nước và sức khỏe của cá. Các nhân viên ở đây liên tục có mặt ở các lồng cá, thường xuyên kiểm tra môi trường nước, cho ăn, san lọc cá, kiểm tra nhiệt độ, thay lưới định kỳ… Anh Hải cho biết: khó nhất trong nuôi cá tầm là kiểm soát sức khỏe của cá, khi môi trường thay đổi phải kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cá, nếu không cá sẽ rất dễ chết. Do vậy các công nhân phải thường xuyên lặn xuống lồng để kiểm tra, nếu thấy cá có biểu hiện lạ, lập tức cách ly điều trị. Để di cư loài cá xứ lạnh này đến các hồ trên núi ở Việt Nam, Tập đoàn cá tầm cũng đã trải qua một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm đầy cam go; và người có công đầu tiên là ông Hà Văn Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cá Tầm Việt Nam. Vốn có nhiều năm sinh sống ở nước Nga và rất say mê con cá tầm, khi về Việt Nam, ông nhận thấy một số vùng có khả năng nuôi cá tầm nên đã thuê chuyên gia Nga về khảo sát, nuôi thử nghiệm và thành lập Công ty TNHH Cá Tầm Việt Nam tại Đà Lạt (đây là cơ sở ương giống và nuôi trồng Cá Tầm đầu tiên tại Việt Nam). Sau một thời gian khảo sát và đánh giá, các chuyên gia thuộc tập đoàn nhận định: Dak Lak là nơi lý tưởng để nuôi cá tầm vì có nhiều hồ thủy điện, nhất là khu vực lòng hồ 3, nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Sêrêpôk 3 và Buôn Kuốp có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái có thể phát triển nuôi cá tầm Nga, dòng Acipenseridae và dòng Beluga Huso huso để khai thác sản phẩm có giá trị thương mại cao là thịt và trứng cá. Chính vì vậy, ngày 12-11-2011, tập đoàn đã khai trương cơ sở cá tầm lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Dak Lak. Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, 50 lồng cá với 20.000 con phát triển tốt hơn những nơi khác và bắt đầu cho khai thác sản phẩm. Nhìn những đàn cá bơi tung tăng trong lồng thật khó tin là chúng tôi đang được thấy loài cá cổ nhất với hàng triệu năm không biến đổi gen, tuổi thọ của cá có thể lên đến 200 năm, cao nhất hành tinh, và xương cốt của cá đều có thể hóa sụn. Theo giám đốc công ty tại Dak Lak: trước mắt, một số lượng ít được xuất bán làm thực phẩm; số còn lại sau 2 năm sẽ tiến hành siêu âm để phân biệt con đực, con cái; đàn cá cái sẽ được giữ lại nuôi lấy trứng, cá đực sẽ bán thương phẩm. Đặc biệt, nơi đây còn nuôi thử nghiệm 30 con thuộc dòng cá tầm Beluga Huso huso, là dòng cá quý của thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên do sản phẩm trứng có giá trị rất cao với giá từ 5.000 đến 10.000 USD/kg.
Cá tầm đang thích nghi tốt với môi trường ở hồ thủy điện buôn Tua Srah |
Triển vọng nghề nuôi mới
Khác với đòi hỏi nhiệt độ rất lạnh như cá hồi, cá tầm có điều kiện thích ứng khá rộng rãi, ở sông hay biển, lạnh âm vài chục độ hoặc với nhiệt độ 28-300C cá vẫn phát triển bình thường, đặc biệt tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở Việt Nam gấp ba lần ở Nga (với cá tầm nuôi lấy trứng, thời gian cá cho sản phẩm chỉ bằng một nửa thời gian so với nuôi ở bên Nga. Bên cạnh việc chú ý khâu xử lý nước thì nguồn thức ăn cho cá tầm cũng khá đơn giản, ngoài thức ăn chế biến sẵn, người nuôi cần bổ sung thêm một số loài cá nhỏ có sẵn tại địa phương hoặc cá biển. Mỗi ngày, trung bình một con cá tầm ăn lượng thức ăn tương đương 1% trọng lượng cơ thể của chúng.
Cá tầm được người dân đến mua tại lồng |
Tại Dak Lak, triển vọng về phát triển loài cá tầm là rất cao, bởi có nhiều hồ tự nhiên với diện tích mặt nước lớn và môi trường nước trong lành. Mặt khác, cá tầm được nuôi thử nghiệm tại Dak Lak được đánh giá phát triển khá hơn so với vùng khác. Khi mới thả, cá con có trọng lượng 100-200g, sau hơn 1 năm con to nhất đạt 4,5 kg, nhỏ nhất 2,5 kg, sản lượng đạt 50 tấn. Thịt cá tầm ngon, lại giàu các loại vitamin và axit béo không no... nên rất được thị trường ưa chuộng. Theo đó, cá tầm thương phẩm có giá từ trên dưới 300.000 đồng/kg; trứng cá tầm (trứng cá đen-caviar) xuất khẩu có giá xuất khẩu 1.000-1.500 USD/kg. Bởi vậy mà thịt, trứng cá tầm từ lâu đã được coi là món ăn “quý tộc”. Theo anh Hải, cơ sở cá tầm ở Dak Lak được đầu tư với tổng số vốn 500 tỷ đồng để xây dựng một tổ hợp khép kín từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu trứng và các sản phẩm thịt cá, bao gồm: trại sản xuất cá, kho lạnh, nhà máy chế biến trứng cá và các sản phẩm từ thịt cá tầm. Hiện sản phẩm từ cá tầm Việt Nam đã được cung cấp cho thị trường trong nước và đang chào hàng ở một số nước như Nga, Mỹ, Nhật Bản và một số nước Châu Âu. Dự kiến trong năm 2013, cơ sở tại Dak Lak sẽ mở rộng thêm 250 lồng tại hồ buôn Tua Srah và những năm tiếp theo sẽ mở rộng ra các hồ thủy điện Sêrêpôk 3 và Buôn Kuốp, với sản lượng cá thương phẩm đạt 1.000 tấn/năm. Với triển vọng này, Dak Lak sẽ được nhiều người biết đến không chỉ là thủ phủ của cà phê, mà còn có thể là cả của cá tầm.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc