Giấc mơ thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”
Từ lâu, hồ tiêu Cư Kuin đã được nhiều người biết đến bởi hạt to, chắc và sự thơm ngon đặc trưng của nó. Không chỉ thương lái thích mua tiêu ở đây vì bán được giá hơn, mà cả những người phương xa khi về miền đất nắng gió này cũng chọn hồ tiêu Cư Kuin làm món quà đặc biệt để biếu tặng người thân. Cây tiêu ở Cư Kuin đang được xác định là một trong những cây trồng chính của huyện để tiến tới xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”.
Giàu lên nhờ cây tiêu
Theo lời trưởng phòng NN-PTNT huyện Nguyễn Văn Khôi kể: cây tiêu theo chân những người dân phía bắc di cư vào bén rễ ở vùng đất Cư Kuin từ những năm 1954-1955. Tại đây, cây tiêu đã thực sự tìm đúng đất sống, bởi năng suất cao hơn hẳn những vùng trồng tiêu khác, để từ đó được người dân phát triển thành cây hàng hóa mang lại lợi nhuận cao. Ở Cư Kuin, hầu như nhà nào cũng có vườn tiêu, mỗi năm thu hoạch 1-2 tấn là chuyện bình thường; có hộ làm đến 8 ha, thu hoạch gần 60 tấn tiêu. Nhìn những vườn tiêu trải dài, có vườn đến vài nghìn trụ, cùng với nhiều ngôi nhà mái thái mọc lên san sát ở xã Ea Bhôk, đã phần nào minh chứng cho lời anh Khôi nói. Chúng tôi vào thăm vườn tiêu của anh Trịnh Xuân Điền ở thôn 2, từ ngoài cổng bước vào đã thấy hút tầm mắt trước vườn tiêu xanh tốt và dày đặc những chùm quả đang chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Điền cho biết, gia đình có 2 ha, trong đó có hơn 1 ha cho thu hoạch. Niên vụ vừa rồi anh thu được gần 8 tấn, may mắn là vừa được mùa lại vừa được giá (gần 120.000 đồng/kg) nên sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. Tương tự, hộ ông Nguyễn Hồng Minh ở thôn 7, gia đình có 1,3 ha cũng đã cho thu hoạch với năng suất cao, đạt 5 tấn/ha. Ông Minh chia sẻ: “Vụ vừa rồi tiêu được mùa, giá bán lại cao nên gia đình rất phấn khởi. Sau một vụ tiêu, cầm trong tay vài trăm triệu cũng xứng đáng với một năm lao động vất vả của người làm nông”. Hay hộ ông Lê Hồng Chung ở thôn 6, mặc dù tiếp cận với cây tiêu khá muộn nhưng với diện tích 5 sào đang cho thu bói, ông dự kiến vụ tiêu 2013 gia đình sẽ thu được 2 tấn. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận cũng đạt trên 100 triệu đồng. Do mức lợi nhuận “khủng”, nhiều hộ đã chuyển dần sang chuyên canh cây tiêu và bắt đầu tiếp cận, làm quen với các quy trình kỹ thuật hiện đại trong trồng và chế biến hồ tiêu, góp phần làm tăng sản lượng hạt tiêu của huyện. Được biết, giống tiêu trồng chủ lực ở đây là tiêu Vĩnh Linh và tiêu trâu, bởi năng suất cao, hạt mẩy và khả năng kháng bệnh tốt. Đặc biệt hơn là trong khi ở các vùng khác dùng trụ xi măng hoặc trụ gỗ để trồng tiêu thì ở Cư Kuin cây tiêu được trồng trên trụ sống (chiếm khoảng 10% diện tích) nên dây tiêu khỏe, trái sai và ít sâu bệnh; có những trụ tiêu đạt năng suất đến 10 kg tiêu xô, không còn là chuyện lạ.
Nông dân Cư Kuin thu hoạch tiêu |
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Toàn huyện hiện có gần 1.500 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tiêu kinh doanh 1.100 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… với năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 3.000 tấn. Ngoài mang lại năng suất cao thì chất lượng tiêu ở đây cũng rất tốt, mặc dù chưa có số liệu phân tích cụ thể nhưng theo những người mua thì hạt tiêu Cư Kuin có vị thơm, nồng độ cay đặc trưng; tỷ lệ thu hồi hạt tiêu đen loại 1 và loại đặc biệt rất cao, được thị trường ưa chuộng, vì thế mà sản phẩm tiêu ở đây luôn được thương lái cộng thêm 10% vào giá mua.
Từ thực tế đó, khi đặt mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa, lãnh đạo huyện Cư Kuin đã xác định: cùng với cây cà phê, cây tiêu sẽ là cây trồng chủ lực đi đầu trong việc tạo ra hàng hóa nông sản xuất khẩu. Để duy trì, phát triển ổn định diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện cũng như đưa sản phẩm hồ tiêu Cư Kuin từng bước khẳng định giá trị trên thị trường trong và ngoài nước, UBND huyện Cư Kuin đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ đưa việc đăng ký thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” vào kế hoạch đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ theo Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2012 – 2015. UBND huyện đã cùng với các phòng chức năng khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và chế biến hồ tiêu trên địa bàn các xã nhằm xây dựng các quy trình như: quản lý dịch bệnh hại trên cây tiêu, kỹ thuật chọn giống, trồng, thu hái, chế biến và bảo quản hồ tiêu…Đặc biệt, lãnh đạo huyện rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và phòng trừ các loại sâu bệnh hại tiêu gồm: rệp sáp, rệp xanh, bệnh lá vàng chết chậm hay héo lá chết nhanh… Theo đó, Phòng NN-PTNT và Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại trên cây tiêu cho người dân nhằm hình thành vùng sản xuất tiêu năng suất, chất lượng cao và bền vững. Thông qua các lớp tập huấn, bà con đã nhận thức được phòng bệnh là chính và biết cách lựa chọn giống tiêu có khả năng kháng bệnh cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn tiêu như: đào rãnh chống úng, hạn chế sử dụng phân hóa học, ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ bón cho tiêu … nên hạn chế sâu bệnh hại và vườn tiêu phát triển tốt hơn những địa phương khác.
Theo anh Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, việc phải làm trong thời gian tới là khuyến cáo người dân không mở rộng thêm diện tích, giữ ổn định ở 2000 ha; xây dựng lộ trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất và lượng cho sản phẩm; đồng thời đặc biệt quan tâm đến khâu chế biến, bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để cụ thể hóa điều này, sắp tới huyện sẽ xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng máy và thực hiện liên kết 4 nhà nhằm tạo ra sản phẩm tiêu xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chí khắt khe trên thị trường thế giới. Như vậy, giấc mơ thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” sẽ sớm trở thành hiện thực như mong ước bấy lâu của nông dân trồng tiêu ở đây.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc