Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế trang trại - Loay hoay tìm vốn đầu tư

16:37, 20/03/2013

Tiếp cận nguồn vốn khó khăn, bản thân người làm kinh tế trang trại (KTTT) không có điều kiện tài chính để mở rộng sản xuất, cộng thêm những bất cập khác nảy sinh từ đời sống thực tế…đã khiến khối kinh tế quan trọng này không thể phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình trên địa bàn.

Tâm tư người trong cuộc

Ông Võ Thảo, chủ trang trại cà phê và sầu riêng ở Quảng Phú-Cư M’gar cứ đắn đo mãi về việc có hay không bỏ vốn để tái canh hơn 1,5 ha vườn cà phê đã quá già cỗi của mình. Sự đắn đo của ông tựu trung lại cũng không nằm ngoài vấn đề đồng vốn. Ông Thảo bộc bạch: phải mất ít nhất hai trăm triệu đồng mới thực hiện được “giấc mơ” trên. Lão nông này dùng từ “giấc mơ” thật quá đắt, bởi lẽ ai cũng biết một khi đã theo đuổi nghề nào đó để kiếm sống, thì việc tích lũy và tái đầu tư trở lại cho nó là lẽ đương nhiên. Có tái đầu tư thì mới nâng cao mức thu nhập và thu nhập một cách bền vững. Vậy mà đối với ông Thảo, đây là cả một “giấc mơ”!


Người làm cà phê giãi bày khó khăn trong việc tái canh vườn cây khi không tiếp cận được nguồn vốn vay.
Người làm cà phê giãi bày khó khăn trong việc tái canh vườn cây khi không tiếp cận được nguồn vốn vay.

 

Qua tìm hiểu mới biết: Vườn cà phê của ông đã trồng cách đây hơn 20 năm, năng suất và sản lượng ngày một thấp, vì vậy gia đình ông tìm cách tái canh trở lại. Khổ nỗi, vốn trong tay không được nhiều, do vài ba năm nay vật giá cứ leo thang khiến đời sống sản xuất của người làm trang trại như ông thật sự gặp khó khăn. Cứ cuối mỗi niên vụ, ngồi tính lại thu nhập không được bao nhiêu. Trừ mọi khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông chắt chiu được từ vườn cà phê cũng chỉ đủ trang trải cho đời sống hằng ngày, không có tích lũy để tái đầu tư. Làm thủ tục vay vốn ngân hàng theo Nghị định 88/NĐ của Thủ tướng Chính phủ thì không được, bởi nguồn vốn vay ưu đãi này chỉ dành cho các hợp tác xã, hơn nữa cũng không nhiều. Còn làm dự án, kế hoạch sản xuất xin vay các ngân hàng thương mại thì quá nhiêu khê. Năm rồi, ông định cầm sổ đỏ trang trại của mình đi thế chấp, nhưng nhìn lại tình hình kinh tế nói chung còn mờ mịt, đành thôi. Ông Thảo ngồi nhìn vườn cà phê xuống cấp mà bất lực, xót xa… Cái xót nhất - theo ông là hiệu quả kinh tế mang lại từ trang trại của mình cứ mỗi năm mỗi teo tóp theo sự già nua của vườn cây. Không riêng gì ông Thảo, ở huyện Cư M’gar - một trong những vùng trọng điểm cà phê của tỉnh, nhiều trang trại cà phê cũng đều có nhu cầu tái canh vườn cây, nhưng không có vốn đầu tư. Vì vậy, theo ông Phạm Văn Mười-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện đánh giá: tình trạng vườn cây già cỗi đã khiến năng suất, sản lượng cà phê ở đây suy giảm đáng kể. Trong số 36.000 ha cà phê toàn huyện, chỉ có hơn 20.000 ha bảo đảm năng suất (3-3,5 tấn/ha), còn lại rất bấp bênh, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do vườn cây đã “quá đát”. 


Cây  ca cao hiện  mang lại giá trị  kinh tế cao:  từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, người làm trang trại trồng loại cây này đang  “đói” vốn gay gắt.
Cây ca cao hiện mang lại giá trị kinh tế cao: từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, người làm trang trại trồng loại cây này đang “đói” vốn gay gắt.

 

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hà ở xã Vụ Bổn - huyện Krông Pak cũng có chung tâm sự. Gần 2 ha ca cao, tiêu trồng được vài năm nay “chết đi, sống lại” khiến ông mướt mồ hôi. Ông Hà than vãn: công sá thì không đáng nói, con cái và anh em trong gia đình xúm lại để làm cũng bớt đi một phần chi phí. Bức xúc nhất vẫn là đồng vốn đầu tư, không biết xoay xở vào đâu để đắp đổi được. Cứ mỗi lần chăm dặm vườn cây mất cả chục triệu đồng, gia đình ông Hà có khi phải đi vay nóng, chờ heo gà… nuôi trong trang trại đến lứa bán mới có tiền trả. Làm thủ tục vay ngân hàng nhưng thiếu sổ đỏ, nên không được vay mà sổ đỏ thì chờ các cấp thẩm quyền chứng nhận đã hai, ba năm rồi vẫn chưa thấy-ông Hà tỏ ra ngao ngán! Được biết khắp cả vùng này: từ Vụ Bổn, Quảng Tiến, Ea Kuang… sang tận Ea Hiu - Krông Pak, số trang trại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự chậm trễ trong việc này đã gây thêm khó khăn cho người nông dân, buộc họ tự “trói tay, trói chân” mình lại trước nhu cầu đời sống sản xuất đặt ra.

Ưu tiên chính sách tài chính, tín dụng cho kinh tế trang trại

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm được nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh là chuyện không dễ chút nào. Với người nông dân, điều đó càng trở nên bức xúc hơn. Vậy phải giải quyết vấn đề này ra sao? Ông Võ Thuận-Phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho rằng: trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại, nhất là các trang trại nông nghiệp để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng. Đến nay, Dak Lak có hơn 1.730 trang trại, trong đó số trang trại được cấp sổ đỏ chỉ chiếm khoảng 60%. Điều đó đã hạn chế và gây khó khăn cho các chủ sở hữu tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng. Có thể nói đất đai là tài sản của họ, cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng hợp thức hóa về mặt pháp lý cho người sở hữu, để khối tài sản hợp pháp ấy phát huy giá trị, giúp người làm kinh tế trang trại giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.

Theo đó, trong một loạt cơ chế, chính sách của tỉnh dành cho khối kinh tế trang trại như: đào tạo nguồn nhân lực, miễn giảm thuế, hỗ trợ khoa học-công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường…thì nên ưu tiên hàng đầu chính sách tài chính, tín dụng cho các chủ trang trại. Bên cạnh việc “mở cửa” một cách có trách nhiệm, sự chia sẻ thật sự của các ngân hàng, thì các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn quỹ phát triển quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp phải kịp thời triển khai đến người làm KTTT, nhất là trang trại trồng trọt, nông nghiệp. Ví như nguồn quỹ hỗ trợ từ Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam và Tổng công ty cà phê đã được hình thành từ hơn hai năm nay với tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng nhằm mục đích tái canh diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước, không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa đến được với người nông dân. Nếu những nguồn lực này sớm đến tay người nông dân, tiếp sức kịp thời cho họ thì chắc chắn khó khăn trên sẽ bớt đi. Và hơn thế, hiệu quả sử dụng đất đai từ nhiều trang trại sẽ cao hơn, người nông dân sẽ có điều kiện, cơ hội cải thiện đời sống của mình.

Với Dak Lak, nhiều người cho rằng các trang trại, nông hộ làm cà phê hiện nay đang có xu hướng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh. Và qua thực tế cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao, bền vững. Song, theo Sở NN-PTNT nhìn nhận thì trong mối liên kết “hai nhà” này, các doanh nghiệp cần phải có sự đồng hành dài hơi và toàn diện hơn nữa. Các doanh nghiệp không những thiết lập mối liên kết ấy tại những vùng nguyên liệu (cà phê) đã ổn định, cho năng suất và chất lượng cao, mà còn phải hướng đến những vùng có có nhu cầu tái canh, cải tạo lại vườn cây nhằm tiếp sức cho người nông dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn này. Có như vậy bài toán thiếu vốn đầu tư cho sản xuất KTTT nói chung mới từng bước tìm được lời giải kịp thời và thỏa đáng.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc