Multimedia Đọc Báo in

“Lúa ơi là lúa!”

10:30, 05/04/2013

Đó là tiếng thở dài than thở của nhiều nông dân huyện Lak khi chứng kiến những ruộng lúa gần đến ngày thu hoạch nhưng đang dần khô héo trong cơn đại hạn. Nguy cơ mất mùa dẫn đến thiếu lương thực, nợ nần đang dần hiện hữu trước mắt họ.

Chúng tôi đến cánh đồng Buôn Triết – nơi được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười trên cao nguyên” - vào một ngày đầu tháng 4 nắng cháy. Khác với cảnh rộn ràng như những mùa lúa trước, không khí buồn thiu, phập phồng lo lắng bao trùm lên khắp các cánh đồng. Trên tuyến đường lớn nhất chạy qua cánh đồng lúa rộng bát ngát, nhiều vùng đất trồng lúa phải bỏ hoang vì không có nước tưới, một số diện tích đang bị cháy vàng, số diện tích có khả năng thu hoạch thì cây lúa thấp tè, còi cọc và đứng trước nguy cơ mất mùa.


Nhiều diện tích lúa ở xã Buôn Triết giảm năng suất hơn 70%.
Nhiều diện tích lúa ở xã Buôn Triết giảm năng suất hơn 70%.

 

Hầu hết cánh đồng lúa của buôn Ja Tu, xã Buôn Triết đã bị khô héo, quắt queo, nên bà Amí Thoan cho bò ăn thoải mái. Nhìn những đám ruộng nứt toang hoác, lúa khô héo, bà buồn rầu: “Nhà có 5 sào lúa ở đây nhưng không được gặt vì lúa có ra bông nhưng toàn hạt lép. Khi lúa trổ xong thì gặp hạn nên không có hạt, tôi cắt lúa về cho bò ăn, nhiều người không có trâu, bò nên cứ bỏ mặc”. Tương tự, nhiều diện tích lúa của địa phương tại buôn Ung 1, buôn Ung 2, buôn Lach Krung… cũng trong tình trạng mất trắng. Nhìn về thửa ruộng còn hơn nửa tháng nữa là thu hoạch nhưng cây còi cọc, cao hơn gang tay, chị Trần Thị Yến (thôn Kiến Xương 2) ngao ngán: “Nhà làm gần mẫu ruộng mà hầu hết đều mất mùa vì thiếu nước tưới. Lúa thu hoạch không được mấy, biết lấy gì để trả tiền giống, tiền phân bón. Lúa ơi là lúa!”

Được biết trong số 4 hồ chứa ở địa phương thì các hồ Khe Môn, Ja Tu và Buôn Tung 3 đã khô cạn hoặc cao trình ở mực nước chết, không còn khả năng chống hạn; hồ Buôn Triết – công trình thủy lợi lớn nhất xã cũng chỉ đủ sức tưới trong khoảng hơn 1 tuần nữa là cạn nước. Ông Y Bhim Êung, Phó chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết: toàn xã có khoảng gần 700 ha lúa đông xuân bị thiệt hại bởi hạn hán, trong đó 169 ha giảm năng suất từ 30 đến 70%, 206 ha giảm năng suất trên 70%, còn lại là mất trắng. Kinh tế chủ yếu của địa phương là cây lúa nước, trước tình hình này thì sắp tới, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, toàn huyện Lak có 1.610 ha lúa bị khô hạn, nhiều nhất là các xã: Buôn Triết (700 ha), Dak Liêng (203 ha), Yang Tao (122 ha)… Ngoài những khu vực mất trắng, một số diện tích còn vớt vát được, nhiều người dân đem bạt, ni lông xuống ruộng để gặt với tâm lý “được hạt nào hay hạt đó”. Chị H’Hiên Bkrông (buôn Mã, xã Bông Krang) đang mót lúa giữa đám ruộng chỗ thấp chỗ cao than thở: “Mảnh ruộng hơn nửa sào mà mót được ba bao lúa vừa hạt chắc, vừa hạt lép; năm nay cả nhà sẽ thiếu gạo ăn”.

Do lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài nên nhiều hồ chứa trên địa bàn các xã Nam Ka, Bông Krang, Dak Nuê, Dak Phơi, Buôn Triết và Krông Nô không còn nước tưới. Trước tình trạng hạn hán vẫn diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt để cứu lúa, trong đó vận động người dân chủ động lắp đặt máy bơm dã chiến tại các địa điểm có thể lấy nước. Bà Hoàng Thị Hảo - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lak cho biết: để chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn, huyện đã chủ trương làm trước kế hoạch hai công trình thủy lợi ở Yang Tao và Ea R’Bin; nạo vét kênh dẫn từ hồ Lak vào bể hút trạm bơm buôn Cuôr, xã Yang Tao, nối thêm vòi bơm xã Ea R’Bin, đưa máy bơm vào đập Dak Plu, xã Dak Phơi; bên cạnh đó, kêu gọi các đơn vị quản lý nước tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tìm thêm nguồn nước tưới tạm thời trong khả năng có thể.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.