Multimedia Đọc Báo in

Mô hình tưới nước nhỏ giọt mang lại hiệu quả kinh tế cao

12:03, 14/04/2013

Mặc dù đang trong mùa khô hạn, thiếu nước tưới trầm trọng, nhưng vườn cà phê của gia đình  Y Klu Niê (Ama Hiêm) ở buôn Đinh, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) vẫn xanh tốt. Đó là nhờ mô hình tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê đã được triển khai tại vườn nhà ông từ đầu năm 2013.

Tìm hiểu mô hình tưới nước nhỏ giọt tại vườn cà phê của gia đình ông Ama Hiêm.
Tìm hiểu mô hình tưới nước nhỏ giọt tại vườn cà phê của gia đình ông Ama Hiêm.

Gia đình Ama Hiêm có 5 sào cà phê thời kỳ kinh doanh. Trước đây, mỗi năm, ông phải bỏ ra khoảng 20 công tưới nước đó là chưa kể đến chi phí đầu tư máy móc, xăng dầu. Điều đáng nói, trước tình trạng khô hạn kéo dài như vài năm trở lại đây càng gây thêm nhiều khó khăn cho việc chăm sóc vườn cây bởi việc bơm tưới theo cách truyền thống đòi hỏi nguồn nước phải dồi dào. Khi được Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên và Hội Nông dân các cấp chọn triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê, gia đình ông quyết định tham gia. Cùng với nguồn vốn đầu tư 30 triệu đồng của Công ty, gia đình Ama Hiêm huy động nhân công đào lắp hệ thống đường ống. Với mô hình này, trước khi nước đến cây cà phê đã được dẫn qua một hệ thống trung tâm gồm: đồng hồ đo lưu lượng nước, đồng hồ đo áp lực, hệ thống châm phân bón, van xả khí giúp theo dõi lượng nước tưới một cách chính xác và đưa các chất dinh dưỡng của phân bón trực tiếp đến vùng rễ của cây qua dây nhỏ giọt. Hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cà phê từ 70-80 cm, chôn âm dưới mặt đất chừng 5-7 cm; mỗi hàng có hai đường ống chạy song song mang theo các điểm nhỏ giọt. Vào mùa khô, mỗi tuần Ama Hiêm bật hệ thống tưới 2 lần, mỗi lần 2 tiếng vào buổi sáng và chiều. Độ ẩm của đất thường xuyên được kiểm soát bởi đồng hồ đo đặt cố định trên vườn. Nói về hiệu quả của mô hình này, Ama Hiêm cho biết: “Những năm trước vào mùa khô thường không đủ nước tưới. Nhưng năm nay nhờ áp dụng hệ thống này đã tiết kiệm nước tối đa, hạn chế lượng nước thất thoát không cần thiết, cây được cung cấp một lượng nước theo đúng nhu cầu. Thêm vào đó, phân bón được hòa với nước theo liều lượng định sẵn, đưa vào hệ thống đường ống nhỏ giọt, phân phối đều cho cây từ đầu vườn đến cuối vườn, hạn chế việc bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng. Tôi thấy mô hình tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm công lao động, chi phí tưới, phân bón và rất phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước trong mùa khô của Tây Nguyên”.

Công nghệ tưới nước nhỏ giọt do Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam trực tiếp tư vấn, chuyển giao. Từ năm 2010 đến nay, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên đã tài trợ xây dựng 6 mô hình tưới nước nhỏ giọt trên tổng diện tích 4 ha tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). Anh Phạm Hoàng Tâm, nhân viên Phòng Phát triển vùng nguyên việu, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên cho biết, nhờ việc điều tiết nguồn nước phù hợp giúp cây cà phê ra hoa theo đúng chu kỳ, hạn chế tối đa sự phát sinh, phát triển và lây lan của sâu bệnh, cỏ dại. Qua đó hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Cùng với triển khai sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận thì việc đầu tư áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt giúp Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên xây dựng những vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, có năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Có thể nói, mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê đem lại lợi ích thiết thực, góp phần thúc đẩy chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư cao (60 triệu đồng/ha), bắt buộc vườn cà phê phải có giếng, điện ba pha. Vì thế, rất cần sự vào cuộc, quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành để triển khai và nhân rộng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.