Multimedia Đọc Báo in

Thị trường lao động: Nhiều biến động

18:30, 13/04/2013

Trong 2 năm (2011-2012) và những tháng đầu năm 2013, trước tình trạng khó khăn chung về kinh tế vẫn chưa được cải thiện, trong khi doanh nghiệp (DN) trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, vốn tự có ít nên số lượng DN làm thủ tục giải thể và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký không ngừng tăng lên. Do vậy, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều biến động, thể hiện rõ nhất là sự chênh lệch về cung - cầu lao động, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Người lao động đến phỏng vấn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak.
Người lao động đến phỏng vấn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak.

Nghịch lý cung - cầu lao động

Theo báo cáo của Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak, trong năm 2012 toàn tỉnh có hơn 800 lượt DN, đơn vị, hộ gia đình đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm, với nhu cầu 5.653 vị trí. Trong đó nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào lao động phổ thông (chiếm gần 50%), ngược lại nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chuyên môn chiếm tỷ lệ rất thấp, trình độ đại học chỉ chiếm 9,94%, cao đẳng chiếm tỷ lệ 10,17%. Cụ thể trong năm nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học là 562 vị trí, cao đẳng 575, trong khi đó lao động phổ thông cần tới 2.820 vị trí. Bối cảnh kinh tế khó khăn, không mở rộng được quy mô sản xuất nên hầu hết các đơn vị tuyển dụng lao động chỉ chú trọng vào khâu quảng cáo, giới thiệu mặt hàng nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, vì thế các vị trí, ngành nghề như: nhân viên kinh doanh chiếm 14,06%, bảo vệ 6%, quản trị kinh doanh 5,01%, phục vụ 4,3% và một số vị trí có bằng nghề, tay nghề như điện, cơ khí cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị. Trong khi nhu cầu cầu tìm việc làm của phần lớn lao động đã qua đào tạo chuyên môn không được đáp ứng, thì nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông lại chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nhu cầu tuyển. Cụ thể, trong năm 2012 Trung tâm đã tiếp nhận 3.991 hồ sơ xin việc, riêng hồ sơ của người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 1.943 hồ sơ, trong khi đó lao động phổ thông chỉ có 613 hồ sơ. Bước sang năm 2013, thị trường lao động nhìn chung có nhộn nhịp hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2013, nhưng nhu cầu tuyển dụng vẫn chỉ chú trọng vào đội ngũ lao động phổ thông. Anh Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng phòng giới thiệu việc làm cho biết, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tuy số lượng hồ sơ tìm việc mà Trung tâm đã tiếp nhận và giới thiệu tương đối nhiều, nhưng số lao động tìm được việc làm còn ít, nguyên nhân chủ yếu là người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, DN, chủ yếu là về tay nghề, kinh nghiệm làm việc. Thực tế đó chứng minh thị trường lao động ở tỉnh ta vẫn tiếp diễn nghịch lý về cung - cầu, dẫn đến tỷ lệ lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng trong khi nhiều đơn vị, DN không tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu công việc.

Ngành “hot” hết thời!

Phải khẳng định rằng, khi các DN ngừng hoạt động sẽ thu hẹp lại cơ hội tìm việc làm của người lao động, trong đó chủ yếu là sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, còn một thực tế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người lao động đang diễn ra ở nhiều bạn trẻ, đó là không định hướng sát với nhu cầu thị trường trước khi chọn ngành học mà chỉ chọn theo cảm tính, theo “mốt thời thượng”, với hy vọng sau này kiếm được nhiều tiền từ những ngành “hot” như tài chính ngân hàng, kế toán. Theo số liệu thống kê của Trung tâm, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 385 hồ sơ của ngành kế toán đăng ký tìm việc làm tại đây, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, DN chỉ có 43 vị trí, vậy 342 hồ sơ còn lại sẽ làm gì ở đâu, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đối với ngành tài chính ngân hàng, năm 2012 có 190 hồ sơ xin việc, nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị đăng ký tại Trung tâm. Cầm tập hồ sơ xin việc trên tay, với tấm bằng kế toán hệ trung cấp và 2 năm kinh nghiệm trong nghề, với vẻ mặt buồn rầu, chị N.T.S, (phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột) chia sẻ: hơn 1 năm rồi, tôi nộp rất nhiều hồ sơ tại Trung tâm và trực tiếp đến “gõ cửa” nhiều DN tư nhân để xin việc, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được một nơi vừa ý. Một số DN tuyển dụng đòi hỏi phải đi làm việc ở các huyện vùng sâu, vùng xa, còn các DN trên địa bàn thành phố lại không có nhu cầu tuyển dụng. Cũng như chị S, chị N.T.M, phường Khánh Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) phàn nàn, ra trường đã 3 năm nay, chị dự định xin việc vào một chi nhánh ngân hàng trong tỉnh, nhưng tình hình kinh tế khó khăn, các ngân hàng đều cắt giảm nhân lực, nên cơ hội đối với chị rất mong manh. Thế là chị đành xin việc tại một công ty tư nhân, chấp nhận mức lương thấp để không thất nghiệp. Còn đối với chị N.T.H (huyện Ea H’leo), hiện đang làm kế toán trưởng cho một công ty trên địa bàn huyện, theo hợp đồng lao động đã được thỏa thuận, đầu năm công ty phải tăng lương cho chị, nhưng do tình hình khó khăn, sức mua những tháng đầu năm giảm, doanh thu đạt thấp nên công ty vẫn giữ nguyên mức lương cũ. Dù không hài lòng với thực tế đó, nhưng do không còn lựa chọn nào khác nên chị vẫn phải chấp nhận tiếp tục làm việc tại công ty.

Để hoàn thành sứ mệnh là người kết nối giữa đơn vị tuyển dụng và người lao động, ngoài những hoạt động thường xuyên, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh luôn chú trọng đến công tác tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các thông tin liên quan đến thị trường lao động cho các tổ chức, đơn vị, DN và người lao động có nhu cầu về các vấn đề như: tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, quy trình giải quyết tranh chấp lao động; đồng thời thường xuyên khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin cung - cầu lao động trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau để giúp người lao động và DN dễ tiếp cận.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.