Multimedia Đọc Báo in

Nông dân lo lắng vì tiêu mất mùa, rớt giá

09:46, 03/04/2013

Niên vụ tiêu 2013 đang bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà. Tuy nhiên, khác với những năm trước, người dân trong tỉnh hiện đang mang nặng nỗi lo về năng suất và giá tiêu đang trên đà… tụt dốc!

Vườn tiêu thu hoạch xong cần được chăm sóc trở lại.
Vườn tiêu thu hoạch xong cần được chăm sóc trở lại.

Theo khảo sát của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) tại một số tỉnh trọng điểm hồ tiêu của phía Nam, trong đó có Dak Lak: năng suất tiêu niên vụ 2013 đang có nguy cơ suy giảm khoảng 20% so với niên vụ trước, mặc dù diện tích loại cây này được trồng mới hằng năm tại các tỉnh không ngừng tăng. Dak Lak hiện có trên 8.000 ha tiêu, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 5.500 ha (tự phát tăng thêm 3.000ha so với quy hoạch của tỉnh), năng suất đạt trên 2,8 tấn/ha, sản lượng hằng năm 15.600 tấn. Tuy nhiên, theo nhận định của người trồng tiêu trong tỉnh thì năng suất tiêu năm nay chỉ đạt khoảng 50-60% so với niên vụ trước, gây lo lắng đối với người dân nói riêng và ngành nông nghiệp tỉnh nói chung. Huyện Cư Kuin được đánh giá là một trong những địa phương có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh với 1.412,58 ha (tăng 108 ha so với năm 2011), sản lượng các năm đạt khá cao (2.753,4 tấn), nhưng niên vụ này cũng đang trên đà giảm mạnh. Ông Nguyễn Huy Quang, người trồng hồ tiêu nhiều năm ở xã Ea B’hôk than thở: gia đình có 3 ha tiêu thu hoạch gần xong. Khác với năm ngoái thu gần 10 tấn tiêu, thì năm nay dự tính chỉ đạt khoảng 5 tấn. Tại địa bàn các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Pak, thị xã Buôn Hồ… chất lượng tiêu cũng không khá hơn. Do sự suy giảm mạnh về năng suất nên năm nay, mặc dù đã bước vào giai đoạn thu hoạch tiêu chính vụ nhưng người dân cũng không thuê thêm nhân công thu hái rầm rộ như những năm trước, mà chủ yếu tập trung hái đổi công để giảm bớt chi phí sản xuất. Sau nỗi lo mất mùa, người trồng tiêu còn phải chịu sự biến động về giá cả giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này, giá tiêu được niêm yết thu mua tại các đại lý chỉ khoảng 117-119 nghìn đồng/kg nhân xô, thấp hơn cùng kỳ năm trước 5.000-7.000 đồng/kg.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất tiêu giảm mạnh là do diện tích tiêu trong độ tuổi khai thác trên 10 năm chiếm tỷ lệ khá cao (trên 10% tổng diện tích tiêu kinh doanh) kéo theo sản lượng tiêu bình quân giảm. Mặt khác, ngay sau niên vụ 2012, đúng vào thời kỳ cần ráo đất để tiêu phân hóa mầm hoa, đậu quả thì bị ảnh hưởng bởi bão số 1, xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng, nên cây tiêu phát lộc và lá, ít nụ hoa, giảm năng suất về quả; một số vùng trồng tiêu còn bị ngập úng, làm thối rễ, tạo điều kiện để sâu bệnh phát triển và lây lan ra diện rộng... Có đợt cao điểm từ tháng 7 đến tháng 11-2012, xuất hiện các bệnh vàng lá chết chậm, chết nhanh, tuyến trùng…với tỷ lệ hại 5-10%, tại các huyện Krông Bông, Krông Buk, Ea Kar, Ea H’leo; bệnh tán thư có tỷ lệ 4-8% gây hại rải rác… Thời điểm này, giá tiêu trên thị trường đang giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do từ dịp giáp Tết Nguyên đán, nông dân hái sớm để bán lấy tiền mua sắm Tết, nên đến nay khi bước vào vụ thu hoạch chính thì thị trường thu mua tiêu xuất khẩu đã có phần bão hòa, càng tạo cơ hội để tư thương ép giá.

Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo bà con nên khẩn trương thu hoạch, phơi sấy hạt tiêu để tránh bị ẩm mốc do những ngày gần đây thường xuất hiện mưa rải rác nhiều nơi, độ ẩm không khí cao; đồng thời tích trữ đợi thời điểm giá lên cao mới bán ra, nhằm kích cầu thị trường thu mua tăng giá trở lại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư chăm sóc cho cây tiêu sau thu hoạch bằng các kỹ thuật hiệu quả như bón phân, phun thuốc BVTV để cây trồng sớm phục hồi, phát triển. Đặc biệt, không nên phá bỏ cây trồng khác để đầu tư ồ ạt vào cây tiêu, mà cần tập trung đầu tư chăm sóc tốt diện tích hiện có…

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.