Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê: Tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong giám sát doanh nghiệp
Thời gian gần đây, việc mua bán cà phê trên thị trường chưa được quản lý một cách chặt chẽ tận gốc nên đã xảy ra chuyện ngược đời: một số doanh nghiệp (DN) thực hiện mua cà phê của dân cao hơn giá thị trường rồi vận chuyển về địa phương khác hoặc bán cho DN trong tỉnh với giá thấp hơn giá mua. Điều này đã khiến các DN xuất khẩu làm ăn chân chính trong tỉnh mất dần khách hàng truyền thống do không mua được cà phê trực tiếp từ người dân.
Đặc biệt, các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế về mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế ở lĩnh vực kinh doanh cà phê xảy ra nghiêm trọng, gây thất thu lớn cho ngân sách địa phương và làm rối loạn thị trường. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 19-3-2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê, giao Cục Thuế và các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, NN&PTNT, Công an, UBND các huyện, thị xã, thành phố… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều đáng lưu ý là chỉ thị có yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, chi nhánh, đơn vị trực thuộc DN theo quy định của pháp luật đối với những DN đăng ký kinh doanh cà phê, nông sản vi phạm pháp luật kinh doanh như: thành lập DN nhưng không hoạt động kinh doanh, không có trụ sở mà chỉ mua bán cà phê, nông sản khống trên hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.
Kinh doanh cà phê, nông sản luôn cần kho hàng. Nếu DN không có kho hàng thì phải xem đó là dấu hiệu lạ (Ảnh minh họa). |
Các DN cho rằng, động thái ban hành chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự trên thị trường kinh doanh cà phê nói riêng, nông sản nói chung. Tuy nhiên, hành vi và thủ đoạn của các DN ra đời chỉ với mục đích mua bán hóa đơn (DN ma) là rất tinh vi và liều lĩnh. Những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy các DN này đã nghiên cứu, lợi dụng một cách triệt để các chính sách pháp luật có liên quan, nhất là sự thông thoáng trong thủ tục thành lập DN; in và phát hành hóa đơn. Do vậy, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm hơn nữa trong việc phối hợp trong việc tính toán, dự báo đối tượng, hành vi vi phạm; chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”. Thực tế cho thấy, phần lớn giám đốc các “DN ma” được phát hiện trong thời gian qua đều có hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác; một số trường hợp sử dụng chứng minh nhân dân giả. Đây là điều cơ quan cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cần hết sức lưu ý. Nghĩa là, khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép thành lập DN, nếu phát hiện những vấn đề nghi vấn thì cần thông tin kịp thời cho cơ quan thuế, công an để triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm nếu có. Ở một góc độ khác, các “DN ma” thường thuê nhà dân làm văn phòng và liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh; hầu hết không có tài sản cố định như kho hàng, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; giám đốc thường không có mặt tại địa điểm kinh doanh; đăng ký nhiều ngành nghề nhưng thực tế kê khai hàng hóa mua vào, bán ra chủ yếu là mặt hàng cà phê và một số nông sản; mua cà phê, nông sản từ các tỉnh, thành khác (thường thì các tỉnh, thành đó không sản xuất được mặt hàng này) về bán cho DN ở Dak Lak; mua được một lượng lớn cà phê, nông sản trong một khoảng thời gian ngắn…Khi phát hiện các dấu hiệu này, cơ quan thuế phải nhanh chóng xây dựng biện pháp theo dõi một cách chặt chẽ, đồng thời thông tin cho các cơ quan chuyên môn khác hỗ trợ giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý. Một vấn đề khác cũng cần lưu ý, hầu hết các “DN ma” này do một nhóm người có quan hệ “làm ăn” với nhau lập ra nên thường thanh toán tiền mua bán hàng với nhau bằng hình thức chuyển khoản tại cùng một ngân hàng; số tiền do bên mua chuyển vào ngân hàng lập tức được bên bán rút ra ngay và doanh số giao dịch có thể lên đến cả trăm tỷ đồng/ngày. Khi phát hiện những giao dịch kiểu này, ngân hàng cũng cần thông tin với các cơ quan chuyên môn để có biện pháp theo dõi, giám sát.
Cộng đồng DN tin tưởng rằng, một khi các cơ quan phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao thì việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn rất nhiều.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc