Multimedia Đọc Báo in

Thành công nhờ năng động, sáng tạo

06:59, 11/04/2013

Bằng sự năng động, sáng tạo, nhiều HTX trong tỉnh đã lựa chọn được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương, từng bước phát triển vươn lên.

HTX Mây tre đan - Dệt thổ cẩm Ea Kao: Sử dụng hiệu quả lợi thế lao động tại chỗ


Cán bộ kỹ thuật HTX Mây tre đan-Dệt thổ cẩm Ea Kao Dương Thị Phương hướng dẫn lao động đan bình ủ ấm trà.
Cán bộ kỹ thuật HTX Mây tre đan-Dệt thổ cẩm Ea Kao Dương Thị Phương hướng dẫn lao động đan bình ủ ấm trà.

 

Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay sản phẩm mây tre đan của HTX Mây tre đan – Dệt thổ cẩm Ea Kao đã và đang từng bước chiếm được cảm tình của khách hàng nhờ mẫu mã, chất lượng, được cải thiện, giá cả hợp lý. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững tốc độ tăng trưởng của HTX. Theo Chủ nhiệm HTX Nguyễn Hữu Quân: có rất nhiều nhân tố cùng góp lại để tạo nên kết quả này. Ngoài tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị bằng việc thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm ngay từ khâu mua nguyên liệu; đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất hiện đại… thì HTX đã có bước đi sáng tạo trong đào tạo và sử dụng lao động - đó là khai thác có hiệu quả lợi thế nguồn lao động tại chỗ. Trong những năm qua, HTX luôn dành một phần nguồn lực về tài chính để phục vụ cho việc đào tạo cơ bản, nâng cao tay nghề mây tre đan miễn phí cho hàng trăm đồng bào địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và nhiều học viên của Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh (xã Tân Tiến, huyện Krông Pak). Sau khi được đào tạo, người lao động được tạo điều kiện về việc làm tại HTX thông qua hình thức nhận gia công sản phẩm và hưởng theo sản phẩm. Cách khoán sản phẩm như vậy được đông đảo đồng bào đón nhận vì có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi mỗi ngày, mùa vụ để làm thêm, cải thiện thu nhập. Việc đào tạo hàng trăm lao động lành nghề không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương mà còn mang lại cho HTX nhiều thuận lợi, bởi sản phẩm họ làm ra chất lượng hơn. Đặc biệt, trong những trường hợp cần phải hoàn thành gấp sản phẩm số lượng lớn, HTX vẫn có thể đáp ứng được mà không sợ thiếu lao động. Đây là một trong những điều quan trọng trong việc tạo và xây dựng chữ tín của HTX đối với các bạn hàng, đối tác, đặc biệt là những đối tác làm hàng xuất khẩu.

HTX Nông nghiệp 714: Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất


Xã viên HTX Nông nghiệp 714 chăm sóc lúa đông xuân.
Xã viên HTX Nông nghiệp 714 chăm sóc lúa đông xuân.

 

Với hơn 380 ha lúa nước 2 vụ, tổng sản lượng mỗi năm khoảng 5.000 tấn, HTX nông nghiệp 714 (xã Ea Pal, huyện Ea Kar) là một trong những đơn vị chuyên canh lúa được đánh giá có năng suất cao nhất, nhì huyện Ea Kar. Để phát triển sản xuất bền vững, Ban quản trị HTX luôn có các giải pháp kỹ thuật thích hợp như: triển khai sản xuất đúng lịch thời vụ, chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư thâm canh hiệu quả, trong đó chú trọng các biện pháp sử dụng nước tưới hợp lý. Cụ thể, những vụ gần đây HTX đã đưa vào sản xuất hai giống lúa năng suất chất lượng cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là Hương Thơm 1(HT1), Ma Nông 48 (tròn dẻo) và IR64. Trong vụ hè thu 2012 các giống lúa mới này đều đạt năng suất bình quân 7,3 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn so với năng suất bình quân của các hộ sản xuất ngoài HTX. Thời điểm này, trong khi nông dân nhiều vùng trồng lúa trong tỉnh phải oằn mình chống hạn, thì nhờ xây dựng lịch tưới hợp lý, tiết kiệm nên toàn bộ diện tích lúa đông xuân của HTX vẫn xanh tốt, dự kiến năng suất sẽ đạt trên 7 tấn/ha. Ông Vũ Xuân Thu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 714 cho biết, những năm gần đây, Ban Chủ nhiệm HTX đã có những định hướng quan trọng cho xã viên trong canh tác như: chọn bộ giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quá trình thâm canh luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, đầu tư chăm sóc hợp lý tiết kiệm để tăng hiệu quả kinh tế. Với hơn 380 ha lúa nước 2 vụ, sau khi trừ chi phí sản xuất (28-30 triệu đồng/ha), 23 xã viên và 587 hộ nhận khoán có khoản lãi khoảng 12 tỷ đồng/năm. Phát huy lợi thế diện tích canh tác rộng, HTX đã vận động bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, giải phóng sức lao động. Hiện HTX Nông nghiệp 714 đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, bảo đảm giá cả vật tư và nông sản luôn ở mức tốt nhất, để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh: Thành công với mô hình trồng rau an toàn


Với hơn 1 sào rau, mỗi năm gia đình ông Trương Văn Diên, xã viên HTX Nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh) thu lợi nhuận 60 triệu đồng.
Với hơn 1 sào rau, mỗi năm gia đình ông Trương Văn Diên, xã viên HTX Nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh thu lợi nhuận 60 triệu đồng.

 

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để “lấy điểm”, từng bước mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu trước người tiêu dùng là hướng đi của HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar). Hướng đi này đã giúp nhiều xã viên thoát nghèo, gắn bó hơn với nghề trồng rau. Nếu như năm 2009 khi mới thành lập HTX chỉ có 12 xã viên, thì hiện nay đã có 42 hộ tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích gần 5 ha, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 1,5 đến 2 tấn rau xanh các loại. Nhờ trồng rau an toàn mà cuộc sống của những người dân thôn 5 đang đổi thay từng ngày, mỗi sào đất trồng rau, trừ chi phí, mỗi năm cho lợi nhuận bình quân trên 50 triệu đồng. Bà Đinh Thị Lý, Chủ nhiệm HTX cho biết, vấn đề quan trọng nhất là có đầu ra ổn định cho nông sản. Để làm được điều này, trước tiên HTX phải bảo đảm chất lượng rau; mỗi xã viên của HTX luôn phải thực hiện vấn đề giữ gìn an toàn vệ sinh trong sản xuất, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước tưới bẩn, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và không thu hoạch rau trong thời gian cách ly thuốc. Chính vì vậy, uy tín của HTX ngày càng được nâng lên, người tiêu dùng biết đến sản phẩm rau xanh an toàn của HTX nhiều hơn. Điều đáng mừng là mỗi ngày có từ 2 tạ đến 2,5 tạ rau của HTX được nhập vào siêu thị Co.op Mart thông qua hợp đồng, với giá ổn định. Hiện HTX đang tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường, ngoài các siêu thị và trung tâm thương mại, sẽ tiến tới cung cấp rau an toàn cho chợ đầu mối, trường học… Có được thị trường tiêu thụ ổn định thì việc sản xuất rau an toàn mới bền vững và hiệu quả, xã viên sẽ gắn bó với HTX – bà Đinh Thị Lý khẳng định.

 Ngọc Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.