Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm dạy nghề cấp huyện: Lối đi nào để đến được đích đặt ra?

08:43, 16/04/2013

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo đó, mỗi huyện trên địa bàn cả nước được Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí để thành lập một trung tâm dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, bảo đảm phục vụ nhu cầu dạy và học, với tổng mức đầu tư theo dự toán từ 9 đến 12,5 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.

Lớp học may tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Năng.
Lớp học may tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Năng.

 

Toàn tỉnh Dak Lak hiện có 12 trung tâm dạy nghề cấp huyện (huyện Krông Bông và Krông Pak chưa bố trí được nguồn vốn để xây dựng), các Trung tâm này được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị khá đầy đủ để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện nay các trung tâm này hoạt động cầm chừng, ít người theo học, đội ngũ giáo viên thiếu nghiêm trọng, kinh phí đào tạo cấp nhỏ giọt, không đúng thời hạn. Do vậy, 14 trung tâm dạy nghề cấp huyện đang đối mặt với nguy cơ bị bỏ không, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Bài toán đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình cảnh “chợ chiều” tại các trung tâm dạy nghề huyện hiện chưa tìm ra lời giải.

Hiện trạng và những bất cập chưa có lời giải

Đến trung tâm dạy nghề một số huyện trong đợt khảo sát về tình hình hoạt động của các trung tâm dạy nghề, các thành viên trong Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội không khỏi thất vọng khi nhìn thấy những cơ ngơi khang trang, bề thế, được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng mà vắng vẻ, đìu hiu. Trao đổi với đoàn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề các huyện đều có chung tâm sự về thực trạng hoạt động của đơn vị mình, ví dụ như: Tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Năng, mặc dù được thành lập từ năm 2009, nhưng đến cuối năm 2011 Trung tâm mới chính thức chuyển đến cơ sở mới và đi vào hoạt động, đến nay mới được cấp kinh phí để mở đươc một vài lớp may. Trung tâm này được xây khang trang, quy mô lớn trên diện tích gần 1ha với một dãy nhà hành chính, 6 phòng học lý thuyết, 4 phòng thực hành đầy đủ máy móc thiết bị giảng dạy: lớp sửa chữa xe máy, máy nổ có 4 máy nổ, 2 xe máy; lớp may có 30 máy may dân dụng và công nghiệp; lớp tin học có 21 máy vi tính… Nhưng ngoài 30 chiếc máy may thì tất cả vẫn đang “đắp chiếu”. Cơ sở hoành tráng nhưng thiếu nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho học viên ở xa, nên lớp may hiện tại vẫn chỉ toàn học viên của những xã gần, cách Trung tâm một vài km, còn học viên các xã vùng xa như Ea Tân, Ea Tam hoàn toàn vắng bóng.

Chung tình trạng đó là Trung tâm dạy nghề huyện Krông Buk. Cả năm 2011, Trung tâm mở được 6 lớp (3 lớp chăn nuôi thú y, 2 lớp sửa chữa máy nổ và 1 lớp may. Tuy nhiên, cả 6 lớp đều được tổ chức dạy tại các thôn, buôn và giáo viên đều hợp đồng với những người có chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong khi đó trung tâm dạy nghề của huyện to đẹp, khang trang thì vắng ngắt. Cả Trung tâm chỉ có 3 giáo viên nghề biên chế chính thức nhưng không được… dạy nghề và đều làm việc văn phòng: giáo viên tin học thì làm giáo vụ; giáo viên nghề điện thì quản lý cơ sở vật chất kiêm thủ kho và một giáo viên chuyên ngành công nghệ thông tin lại phụ trách tuyển sinh. Bởi, Trung tâm không có cán bộ mà những nghề như tin học, điện không có người học và khó mở lớp nên các thầy cô phải làm việc của văn phòng.

Việc thiếu giáo viên đang là vấn đề nan giải đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Dak Lak. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho đến nay 12 trung tâm dạy nghề cấp huyện mới chỉ có 12 giáo viên trong biên chế. Có đến 9 Trung tâm Dạy nghề  không có giáo viên trong biên chế là Krông Ana, Krông Năng, Ea Súp, Cư M'gar, Buôn Hồ, M’Drak, Krông Pak, Lak và Krông Bông. Trong 12 giáo viên trên cũng chỉ có 7 người có trình độ đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp. Mặc dù thiếu giáo viên một cách trầm trọng nhưng tỉnh vẫn chưa tăng cường biên chế, vì vậy, mỗi lần mở lớp, một số trung tâm phải thuê giáo viên nhưng việc làm này cũng rất khó khăn. Có những trung tâm dạy nghề cấp huyện cả năm không mở được lớp nào như Ea Súp, M’Drak, Lak mà nguyên nhân chính là do thiếu giáo viên.

Công tác tuyển sinh cũng là một vấn đề hết sức khó khăn đối với các trung tâm dạy nghề cấp huyện, phải thẳng thắn thừa nhận rằng nhu cầu về đào tạo nghề của tỉnh chưa đến độ bức xúc, thời gian dành cho nông vụ của người dân còn tương đối nhiều. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác tuyển sinh lại nằm chủ yếu ở yếu tố chủ quan như: Công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả; ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với tình hình thực tế; chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích các đối tượng được ưu tiên được hỗ trợ học nghề còn thấp…

Việc bố trí kinh phí cho dạy nghề thường chậm và thiếu cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Năm 2012 kinh phí được bố trí 5,075 tỷ đồng (kinh phí từ năm 2011 chuyển sang là 575 triệu đồng) để mở 43 lớp dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn, nhưng đến giữa tháng 5-2012 mới triển khai thực hiện. Điều này gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm. Từ thực trạng nêu trên có thể thấy rằng, các trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại thấp, nhiều trung tâm gần như bị bỏ không, gây lãng phí lớn. Việc xây dựng cơ sở dạy nghề là cần thiết, tuy nhiên không nhất thiết huyện nào cũng phải thành lập trung tâm dạy nghề mà điều này phải phụ thuộc vào nhu cầu, tình hình thực tế của từng địa phương.

Giải pháp nào để  hoạt động của các trung tâm dạy nghề cấp huyện có hiệu quả?

Trước hết , phải xem lại quy hoạch mạng lưới dạy nghề, có thực sự là huyện nào cũng cần có một trung tâm dạy nghề không? Kèm theo đó là biên chế bộ máy hành chính, đội ngũ giáo viên…nghĩa là muốn dạy nghề được thì phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người . Nhu cầu học nghề sơ cấp của một bộ phận thanh thiếu niên là có thật, nhưng không phải lúc nào trên địa bàn một huyện cũng tuyển đủ một lớp hoặc một vài lớp học viên để đào tạo một nghề nào đó .Vậy thì tại sao chúng ta không hình thành các trung tâm dạy nghề cho  các  cụm huyện , cả tỉnh chỉ cần khoảng 3 đến 4 trung tâm dạy nghề, điều đó sẽ rất tốt cho việc đầu  tư cơ sở vật chất và con người để các cơ sở đi vào hoạt động hiệu quả.

Hai là, cần xem lại việc “ mạnh ai nấy làm ” của ngành giáo dục và ngành Lao động, TB-XH như hiện nay - ở huyện vừa có trung tâm giáo dục thường xuyên, vừa có trung tâm dạy nghề - tại sao chúng ta không xây dựng được đề án để sáp nhập hai trung tâm này lại để phát huy hết sức mạnh tổng hợp của nó và tránh được sự lãng phí cơ sở vật  chất và con người?

Ba là , một số vấn đề khác như : Cần phải đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; tuyển đủ và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tại các trung tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại với người dân về lao động, việc làm và đào tạo nghề. Nhà nước có chính sách để  khuyến khích, tạo điều kiện cho các trung tâm dạy nghề ở từng địa phương liên kết cung ứng lao động cho các công ty, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện; các trung tâm dạy nghề phải xác định phương hướng hoạt động đầu tư các ngành nghề chủ lực, sát với thực tế để đạt hiệu quả; thường xuyên liên kết, trao đổi trong việc định hướng, đào tạo ngành nghề cho người lao động ở từng địa phương; học tập và nhân rộng các mô hình sản xuất có cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế.

Mong rằng, những người có trách nhiệm hãy vào cuộc, để các cơ sở dạy nghề khang trang được đầu tư bài bản với số vốn lên hàng trăm tỷ khỏi phải đắp chiếu chờ thanh lý ngay từ khi mới được khánh thành, để hàng ngàn thanh niên nông thôn được đào tạo nghề, góp phần vượt qua đói nghèo, làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đất nước.

Võ Quang Tuyên

(Trưởng ban VH-XH của HĐND tỉnh) 


Ý kiến bạn đọc