Vụ "Cà phê bẩn” - đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có một số bài viết nói về thực trạng “cà phê bẩn” tại Dak Lak. Qua những bài viết có thể thấy chất lượng cà phê bột hiện nay là rất đáng báo động. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận khách quan hơn để không làm ảnh hưởng đến một thương hiệu mang tầm quốc gia như Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.
Cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng người tiêu dùng. |
Theo các bài viết, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2013, Thanh tra Sở NNPTNT đã kiểm tra, phát hiện 14 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố. Hàm lượng caffeine trong hầu hết các mẫu sản phẩm kiểm tra chỉ đạt 0,2 – 0,47%, quá thấp so với mức chuẩn quy định. Trong đó, cơ sở sản xuất cà phê bột Thanh Thủy thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và du lịch Thanh Thủy (thôn 1, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) - là một trong những thương hiệu cà phê lớn ở Buôn Ma Thuột, có sản phẩm cung ứng rộng khắp trên thị trường - cũng không ngoại lệ. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở Thanh Thủy có đến 3 mẫu cà phê bột có hàm lượng caffeine thấp dưới tiêu chuẩn 1% (theo TVVN 5251:2007). Hàng loạt các cơ sở chế biến cà phê khác như Cao Thiện, Ý Việt (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), cà phê Nguyên Lâm (Tân Tiến, Hòa An, huyện Krông Pak), Mê Việt (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), Đất Việt (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), Uyên Tâm (huyện Cư M’gar)… đều có hàm lượng caffeine chỉ đạt 0,2 - 0,3%. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở này đều công bố hàm lượng caffeine trên bao bì là lớn hơn hoặc bằng 1%. Còn kết quả nghiên cứu đề tài khoa học khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn Dak Lak của Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Sở KHCN trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan ở 30 cơ sở sản xuất cho thấy, ngoài nguyên liệu cà phê nhân, có 73,3% số cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% số cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Về phụ gia thực phẩm sử dụng cho chế biến cà phê, có 80% số cơ sở dùng caramel, 63,3% dùng tinh hoặc hương cà phê, 60% dùng bột vani; 96,7% số cơ sở dùng bơ các loại, 86,7% có dùng rượu, 3,3% số cơ sở dùng nước mắm…
Cần phải công tâm mà nói rằng, những cơ sở rang xay không đạt hàm lượng caffeine quy định đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm. Cụ thể theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT), là đã vi phạm Nghị định 54/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định 45/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt khoảng 3 triệu đồng/lỗi, đồng thời buộc tiêu hủy sản phẩm, tạm đình chỉ lưu thông… Chính những cơ sở rang xay đó đã tự đánh mất hình ảnh của mình do việc xem nhẹ chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu. Riêng đối với kết quả đề tài nghiên cứu khoa học khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn Dak Lak của Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Sở KHCN, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn loại nào cấm, loại nào được dùng và liều lượng bao nhiêu. Cùng với đó trong đề tài nghiên cứu này chỉ cho thấy số cơ sở dùng thêm chất phụ gia chứ chưa cho thấy tỷ lệ phụ gia được sử dụng ở mỗi cơ sở, và tỷ lệ đó có vượt ngưỡng cho phép hay không…
Xét về mặt khoa học, với bất kỳ sản phẩm pha trộn nào cũng cần có "chất dẫn". Sản phẩm cà phê bột cũng ngoại lệ. Vấn đề ở chỗ chất dẫn ấy được sử dụng như thế nào, tỷ lệ ra sao. Chất dẫn ở đây có thể là đậu nành, bắp, đậu đỏ... Bên cạnh vai trò là “chất dẫn”, những loại nông sản trên nếu được sử dụng hợp lý sẽ tạo ra hương vị, màu sắc riêng cho từng sản phẩm theo mong muốn của nhà rang xay. Đó là chưa kể đến việc rang xay cà phê là cả một nghệ thuật, đáp ứng cho nhiều “gu” thưởng thức khác nhau, nên việc sử dụng chất phụ gia là điều đương nhiên. Chẳng hạn với việc sử dụng rượu, người thợ sẽ pha chế, phối trộn các loại rượu thơm ngon khác nhau để tẩm vào hạt cà phê lúc còn nóng, dưới tác dụng nhiệt, các phân tử rượu sẽ nhanh chóng len lỏi vào cấu trúc phân tử của cà phê tạo thêm 1 phản ứng phụ sau rang, vừa làm giảm nhiệt nhanh chóng, và cung cấp thêm độ ẩm cho hạt cà phê (độ ẩm bảo quản (< 13 %) vì khi rang độ ẩm chỉ còn 0,5 %), vừa tạo ra phản ứng ester hóa có mùi thơm, cho ra sản phẩm độc đáo.
Rõ ràng một số thông tin về “cà phê bẩn” ở Dak Lak mà báo chí đã nêu còn phiến diện, chưa đầy đủ căn cứ để xác định là “cà phê bẩn”. Ngoài 14 cơ sở được kiểm tra, Cà phê Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều thương hiệu đã khẳng định được vị thế trên trường quốc tế như Trung Nguyên, Vina Cà phê, Mêhicô... Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang khẳng định được chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, hiện đã có mặt trên hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thiết nghĩ, không nên vì kết quả kiểm tra, nghiên cứu ở một số cơ sở sản xuất mà làm ảnh hưởng toàn cục đến Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, một thương hiệu mà chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, tiền của để xây dựng. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở rang xay trên địa bàn cũng cần công bố những “khung tiêu chuẩn” cần thiết đối với sản phẩm cà phê rang xay để dư luận yên tâm hơn về chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc