Xã Ea Riêng (huyện M’Drak) Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi heo hướng nạc
Gia đình anh Nguyễn Đức Thái (thôn 8, xã Ea Riêng, huyện M’Drak) nuôi 16 con heo nái và khoảng 100 con heo thịt mỗi năm. Trước đây, do chăn nuôi theo hướng thủ công truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao, đàn heo của gia đình anh luôn bị thương lái ép giá do lượng mỡ nhiều. Sau khi được cán bộ thú y xã tư vấn và hướng dẫn về cách áp dụng mô hình nuôi heo hướng nạc, gia đình anh đã nâng dần chất lượng heo giống và tỷ lệ nạc trong đàn heo thịt. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán từ 3 - 5 tấn heo thịt, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Thái cho biết, từ khi áp dụng mô hình này, mỗi ngày anh chỉ mất 2 giờ để chăm sóc, do đàn heo được phân chuồng theo từng giống, loại và được kiểm tra, theo dõi theo quy trình khép kín.
Nông dân đầu tư hệ thống chuồng trại hoàn chỉnh để chăn nuôi chất lượng cao. |
Cũng như gia đình anh Nguyễn Đức Thái, nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã Ea Riêng đã áp dụng thành công kỹ thuật nạc hóa đàn heo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Đoàn Thế Quyền, cán bộ thú y xã Ea Riêng, trong quá trình áp dụng mô hình nạc hóa đàn heo, người nông dân cần phải bảo đảm các yếu tố kỹ thuật về giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh thú y. Trong đó, giống được lựa chọn là những giống heo cao sản, tỷ lệ nạc cao, khả năng chuyển hóa thức ăn tốt như heo Duroc cho phối với heo nái Yorkshire, hay heo nái lai để tạo ra con lai thích nghi với môi trường khí hậu địa phương, có tốc độ tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thức ăn phải bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng để phát huy được tiềm năng di truyền tạo nạc cho đàn heo. Theo quy luật sinh trưởng, nuôi heo thịt ở thời kỳ trước 40 - 60kg chủ yếu phát triển thịt và xương; thời kỳ 60kg trở đi phát triển mỡ là chính. Do đó, trong quá trình nuôi phải điều chỉnh mức ăn cho phù hợp. Đồng thời khẩu phần ăn phải cân đối để heo có lượng thịt nạc tối đa. Bên cạnh đó, khâu chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh thú y cho đàn heo cũng đặc biệt được chú trọng. Các chuồng trại áp dụng mô hình phải bảo đảm điều kiện chăm sóc tốt về nhiệt độ, độ ẩm, độ thông thoáng để hạn chế dịch bệnh. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, hiệu quả trong chăn nuôi của các hộ gia đình trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện. Trước đây, nếu chăn nuôi theo hướng thủ công, tỷ lệ nạc chỉ chiếm 30% tỷ trọng, đến nay, khi đầu tư chăn nuôi chất lượng cao, tỷ lệ nạc tăng lên 70% tỷ trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Được biết, năm 2012 đàn heo trên địa bàn xã đã phát triển lên 10.200 con (đạt 126% KH). Công tác hỗ trợ chăn nuôi cũng thường xuyên được quan tâm, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa, chữa trị và ngăn chặn kịp thời. Trạm Thú y cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông mở lớp tập huấn về chăn nuôi để chuyển giao khoa học – kỹ thuật, bổ sung kiến thức sản xuất cho nhân dân. Nhờ vậy, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi giỏi, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc