Xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước: Thay đổi tích cực trong tư duy và tập quán canh tác lúa
Được xây dựng từ vụ Hè thu 2012, đến nay cánh đồng mẫu lúa nước thôn Tân Hưng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã thực sự phát huy hiệu quả. Đây là mô hình cần được nhân rộng bởi không chỉ góp phần gia tăng vượt trội năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn thay đổi tư duy, tập quán canh tác lúa của người dân.
Cánh đồng mẫu lúa nước thôn Tân Hưng. |
Nhìn những bông lúa trĩu hạt khẽ lay trong gió, đang khoe sắc vàng óng trên cánh đồng mẫu lúa nước rộng 10 ha ở thôn Tân Hưng trong vụ Đông xuân 2012-2013 ai cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt với những thửa ruộng xung quanh. Ông Lê Thế Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao hồ hởi khoe: “Đây là vụ thứ 2 bà con thôn Tân Hưng thực hiện cánh đồng mẫu lúa nước. Trong khi nhiều nơi nông dân lao đao vì nắng hạn, sâu bệnh thì cánh đồng lúa mẫu vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ước đạt từ 8-9 tấn/ha”. Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng, anh Nguyễn Hùng, Trưởng thôn Tân Hưng và cũng là người tham gia xây dựng cánh đồng không giấu được niềm vui khi kể về quá trình hình thành cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên ở Dak Lak. Vụ Hè thu 2012 khi UBND TP. Buôn Ma Thuột, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và UBND xã Ea Kao quyết định chọn thôn Tân Hưng để xây dựng mô hình thì 84 hộ dân có ruộng liền kề nhau trên cùng cánh đồng này rất lo ngại, không muốn tham gia. Bởi khi tham gia chương trình, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm đất, gieo sạ, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch theo sự hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang… Nhưng nhờ sự tư vấn, tuyên truyền, vận động của Ban Quản lý Chương trình Cánh đồng mẫu lúa nước, chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp nên các hộ dân đã đồng ý thực hiện. Kết quả ngoài sự mong đợi, năng suất lúa vụ Hè thu 2012 đạt trung bình 9 tấn/ha, tăng gần 3 tấn/ha so với trước đây. Đó cũng là cơ sở để bà con tự tin triển khai cánh đồng mẫu lúa nước trong vụ Đông xuân này và dự tính năng suất cũng không thua kém vụ trước.
Gia đình Nguyễn Hữu Tiện canh tác 1,7 sào lúa tại cánh đồng này hơn 10 năm nay. Cũng như nhiều hộ khác, anh chọn giống theo cảm tính, thói quen, bón phân tùy tiện, sử dụng nhiều đạm, khi nào thấy lúa bị bệnh mới chữa chứ không có khái niệm phòng bệnh. Từ khi tham gia chương trình, anh đã dần thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”. Anh Tiện cho biết: “Trước đây, mỗi sào chúng tôi sử dụng từ 25 – 35 kg giống, nếu nhìn thấy cây có đốm vàng, đốm nâu là tự mua thuốc về xịt đến khi nào khỏi bệnh mới thôi. Nhưng nay nhờ sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, nông dân biết gieo sạ đúng mật độ 12 kg lúa giống/sào, sử dụng cùng một giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng kháng bệnh cao, áp dụng phòng bệnh theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, bón phân hợp lý, giảm chi phí đầu tư mà hiệu quả kinh tế gia tăng thấy rõ. Chỉ với 1,7 sào lúa nhưng vụ Đông xuân năm nay, gia đình tôi ước thu được gần 1,5 tấn”.
Hiệu quả của cánh đồng mẫu lúa nước thôn Tân Hưng đã thấy rõ qua thực tế nhưng hiện nay, việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn. 84 hộ tham gia cánh đồng mẫu lúa nước được UBND TP. Buôn Ma Thuột hỗ trợ trên 29 triệu đồng/vụ gồm kinh phí mua giống và công tác quản lý, Công ty Cổ phân Bảo vệ thực vật An Giang hỗ trợ phân bón lá, chuyển giao kỹ thuật xử lý hạt giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, còn lại các hộ tự đầu tư. Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột Tống Thị Điệp băn khoăn: “Cánh đồng mẫu lúa nước thôn Tân Hưng được xây dựng thành công ngoài điều kiện khách quan như diện tích ruộng tập trung, ít dốc, nguồn nước thuận lợi còn có sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ nhiều phía. Nhưng với đặc thù ruộng lúa nước trên địa bàn tỉnh đa phần là những mảnh ruộng manh mún, không bằng phẳng, trình độ canh tác của bà con không đồng đều, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, mỗi hộ chọn một loại giống khác nhau là những trở ngại không nhỏ trong việc nhân rộng mô hình”. Vì vậy, để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lúa nước, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới cần có sự vào cuộc, đồng hành, liên kết chặt chẽ của “4 nhà”. Nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động giúp nông dân thay đổi tập quán, thói quen canh tác cũ để thực sự “mặn mà”, hào hứng, tự nguyện liên kết tham gia xây dựng những cánh đồng mẫu lúa nước.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc