Multimedia Đọc Báo in

Giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng: Liệu đã có giải pháp khả thi?

06:00, 17/04/2013

Tính đến hết quý I-2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 34.785 tỷ đồng, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Biện pháp nào để đưa vốn ra nền kinh tế một cách hiệu quả đang là vấn đề lớn cần được sự quan tâm vào cuộc của không riêng ngành ngân hàng.

Tín dụng DN: Kẻ ăn không hết,  người lần chẳng ra!

Đánh giá về tình hình cho vay DN những tháng đầu năm 2013, đại diện lãnh đạo nhiều NH cho biết, thị trường đang tồn tại một nghịch lý: DN tìm NH, NH tìm DN nhưng… chưa thể gặp nhau. Những trường hợp DN tìm NH chủ yếu rơi vào những đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ; đang có nợ quá hạn ở một hoặc vài NH khác; tài sản thế chấp không còn do đã thế chấp vay vốn từ trước nhưng đến nay chưa trả hết nợ; dự án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi; hoạt động chủ yếu, thậm chí là dựa hoàn toàn vào vốn vay NH… nên không thể cho vay do rủi ro quá lớn. Còn các DN làm ăn hiệu quả - đối tượng NH tìm thì đã có khá nhiều “địa chỉ” cung ứng vốn, không có nhu cầu vay thêm. Chính vì thế, thị trường mới xuất hiện tình trạng “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Một góc xưởng chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành MDrak.
Một góc xưởng chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành M'Drak.

Nói về vấn đề này, ông Đỗ Văn Khương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành MDrak (Cụm Công nghiệp MDrak) cho hay: không biết chuyện NH thừa vốn, tìm kiếm khách hàng thế nào, nhưng DN ông đã đi “gõ cửa” NH vay vốn từ hơn nửa năm nay, liên hệ qua không dưới 7 NH lớn nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào đồng ý cho vay. Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành MDrak được thành lập từ tháng 3-2012 và đầu tư nhà máy chế biến gỗ từ tháng 8-2012. Từ đó đến nay, Công ty đã đầu tư khoảng 7 tỷ đồng xây dựng xong 3.000m2 nhà xưởng; mua sắm máy móc thiết bị; kéo điện… phục vụ cho việc sản xuất. Hiện tại, Công ty cần vay vốn để xây dựng một số hạng mục bổ sung (văn phòng Công ty, nhà ở công nhân…) và bổ sung vốn lưu động, nhưng… bị tắc. Ông Khương cho biết thêm: trong số các NH mà ông đã liên hệ vay vốn, duy chỉ có một NH về thẩm định dự án, nhưng rồi cuối cùng họ trả lời không thể cho DN vay được; số còn lại “lắc đầu” ngay sau khi xem hồ sơ vay vốn. Lý do các NH đưa ra chủ yếu liên quan đến tính khả thi của dự án… Theo ông Khương, các lý do mà NH đưa ra đều không thỏa đáng. Bởi vì, hiện tại nhu cầu tiêu thụ gỗ nguyên liệu rừng trồng rất lớn nên không quá lo về đầu ra của sản phẩm. Còn những lo lắng về mặt quản trị Công ty trực thuộc Tập đoàn Trường Thành, nếu các NH cần cung cấp bất kỳ tài liệu nào liên quan để chứng minh Công ty hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm thì Công ty sẽ đáp ứng. Đối với lý do dự án ở xa, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư trên địa bàn một huyện nghèo của tỉnh nên càng cần phải được ưu tiên hỗ trợ. Hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành, đang tiến hành sản xuất thử để bắt đầu đi vào hoạt động. Nếu không vay được vốn, Công ty vẫn phải tổ chức sản xuất trong khả năng về vốn của mình. Có điều, việc sản xuất không hết công suất máy móc sẽ khiến cho chi phí tăng lên, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

NH cần mạnh dạn hơn

Số liệu thống kê của Chi nhánh NHNN Dak Lak cho thấy, trong thời gian qua, các NH đã có những nỗ lực nhất định trong việc giải quyết nhu cầu vay vốn của khách hàng nói chung, DN nói riêng. Chẳng hạn, trong năm 2012, tăng trưởng tín dụng chung chỉ đạt 9% so với năm trước, nhưng tín dụng lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung, cụ thể: dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn tăng 9,5%; DN nhỏ và vừa tăng 9,8%. Bên cạnh việc cho vay mới, các NH cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay vốn; từng bước giảm lãi suất cho vay… góp phần đáng kể vào việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó có các DN. Mặc dù vậy, chưa thể nói rằng quan hệ vay – mượn giữa NH và DN đã hoàn toàn thông suốt. Nếu nói rằng, việc NH dè dặt trong xét cho vay là do lỗi của DN thì chưa hoàn toàn đúng. Song cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua có khá nhiều DN làm ăn kém hiệu quả, phụ thuộc quá lớn vào vốn vay NH, sử dụng vốn vay sai mục đích… dẫn đến không trả nợ NH đúng hạn cam kết, khiến tình trạng nợ xấu gia tăng. Chính điều này đã làm cho các NH trở nên dè dặt, cẩn thận hơn trong xét cho vay. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: NH rất muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng NH cũng là một DN, nên bên cạnh việc hỗ trợ DN, còn phải tính toán đến hiệu quả kinh doanh đồng vốn của cổ đông. Chưa hết, nếu dễ dãi trong việc cho vay và dẫn đến mất vốn, NH còn phải đối mặt với câu hỏi từ các cơ quan chức năng: Tại sao thấy dự án không khả thi mà vẫn cho vay? Vì vậy, mặc dù nóng lòng muốn đưa vốn ra phục vụ nền kinh tế nhưng NH không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng. Cùng quan điểm này, đại diện nhiều NH đề nghị: để dễ dàng tiếp cận được vốn tín dụng NH, bản thân DN phải tự thay đổi mình, trong đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tái cấu trúc lại DN, cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng hạn chế đầu tư dàn trải.

Nói về tình trạng “sức khỏe” của các DN hiện nay, nhiều người ví von: sau một thời gian chống chọi với khó khăn, hiện DN như người mới ốm dậy, rất cần được bồi bổ. Nói điều này để thấy rằng, việc bơm vốn cho DN để DN phục hồi và dần dần mở rộng sản xuất kinh doanh trở lại đang là công việc quan trọng, cần sự tích cực chung tay của các NH. Liên quan đến quan hệ tín dụng giữa NH và DN trên địa bàn tỉnh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng nguyên nhân cơ bản khiến tín dụng chưa tăng, DN chưa tiếp cận được vốn NH là do hàng tồn kho lớn, dòng tiền chưa luân chuyển được; nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản khó khăn về tài chính do chưa được ngân sách thanh toán tiền xây dựng công trình; năng lực tài chính của nhiều DN chưa tốt; tính khả thi của một số dự án chưa cao... Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ NH nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức hồi đầu tháng 4-2013, Phó Thống đốc đề nghị các NH thương mại cần linh hoạt hơn nữa trong việc xét cho vay, dĩ nhiên là không hạ thấp điều kiện cấp tín dụng. “Cuộc sống thiên biến vạn hóa, không thể nói cụ thể cái nào cần linh hoạt, cái nào không, nhưng cũng mong các NH linh hoạt và có quan điểm mạnh dạn đầu tư” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. Riêng đối với Chi nhánh NHNN Dak Lak, Phó Thống đốc cũng yêu cầu thường xuyên tổ chức kết nối NH và DN, kịp thời tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan; có thể chia DN ra từng nhóm, lĩnh vực khác nhau để dễ thực hiện…

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc