Hỗ trợ nông dân vươn lên
Xác định vai trò chủ thể quan trọng của nông dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, song song với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tùy vào điều kiện cụ thể, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực tiếp sức cho nông dân vươn lên.
Hỗ trợ bằng nhiều hình thức
Gia đình ông Y Klo Mlô ở buôn Tring 4 (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) có 2 ha cà phê kinh doanh và 1,5 sào đất trồng lúa. Trước đây, cứ mỗi đợt cao điểm chăm sóc cà phê, gia đình ông phải cắt giảm một số khoản chi tiêu và chạy vạy vay mượn thêm tiền mua dầu tưới, phân bón. Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông được HND xã Ea Blang tín chấp mua 2 tấn phân vi sinh/năm, trị giá 6 triệu đồng theo hình thức trả chậm không tính lãi (trả trước 50%, số còn lại trả vào cuối vụ thu hoạch cà phê). ông Y Klo cho biết: “Nhờ được Hội tín chấp mua phân bón trả chậm, gia đình tôi có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây trồng, mỗi năm cũng thu được hơn 5 tấn cà phê và 3 tấn lúa nên cuộc sống bớt khó khăn hơn trước. Thủ tục mua phân bón trả chậm rất đơn giản, hội viên nào có nhu cầu thì đăng ký danh sách ở chi hội, HND xã sẽ tổng hợp, báo số lượng với công ty phân bón, sau đó công ty cho xe chở phân bón về tận nhà từng hội viên”.
Anh Y Klo Mlô (người đứng đầu bên trái) kiểm tra lại lượng phân bón được HND tín chấp mua trả chậm. |
Trước đây, gia đình ông Đậu Xuân Lập ở thôn 1 (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) chỉ phát triển độc canh cây cà phê. Với 2,2 ha cà phê, mỗi năm, gia đình ông tiêu tốn một khoản đầu tư khá lớn, trong khi đó giá sản phẩm loại cây trồng này có nhiều thời điểm lên, xuống thất thường khiến gia đình ông gặp không ít khó khăn. Qua tham dự các lớp tập huấn do HND phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, ông Lập bàn với gia đình thay đổi hướng làm ăn. Sau khi thăm quan, học hỏi một số mô hình thực tế, ông quyết định trồng xen 300 gốc tiêu xung quanh vườn cà phê, đồng thời được Hội tín chấp mua tổng cộng 15 tấn phân bón trả chậm đầu tư chăm sóc cây trồng. Nhờ vậy, đến nay mỗi năm gia đình ông thu hoạch được trên 8 tấn cà phê và 8 tạ tiêu. “Trồng xen cây tiêu không chỉ có tác dụng chắn gió, che bóng, hỗ trợ cho cây cà phê phát triển, giảm chi phí chăm sóc mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Mấy năm nay nhờ giá cà phê, tiêu ổn định nên gia đình tôi cũng thu lợi trên 250 triệu đồng/năm”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu là hộ nghèo ở thôn Cao Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình và nuôi 4 con ăn học đều trông vào 2 sào cà phê mới trồng được 7 năm, nên anh Bùi Văn Tâm - chồng chị phải đi làm thuê ở tận Dak Nông gửi tiền về trang trải cuộc sống. Căn nhà gỗ cũ được dựng trên mảnh đất bố mẹ chồng cho đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng vợ chồng chị chưa có điều kiện sửa chữa lại. Năm 2013, gia đình chị được HND thành phố Buôn Ma Thuột hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Trung ương HND Việt Nam và hội viên giúp thêm ngày công để xây dựng căn nhà rộng 50 m2, khang trang trị giá 57 triệu đồng.
Để việc hỗ trợ phát huy hiệu quả
Nắm bắt được những khó khăn của nông dân trong phát triển kinh tế nên thời gian qua, HND các cấp trong tỉnh đã chủ động tìm kiếm các nguồn vốn và tích cực phối hợp với ngành chức năng thực hiện việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) cho hội viên. Ngoài nguồn vốn ủy thác, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 1.568 tỷ đồng cho 295.348 lượt hộ vay, các cấp Hội đã huy động được trên 3,6 tỷ đồng quỹ “Hỗ trợ nông dân”, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân mua 70.230 tấn phân bón và 113 tấn ngô giống trả chậm, trị giá 172 tỷ đồng. Để nông dân phát huy hiệu quả đồng vốn, HND đã tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên thường xuyên tổ chức chuyển giao kỹ thuật tuyển chọn, nhân giống cà phê, tỉa cành, ghép cải tạo vườn cà phê, trồng xen, thu hoạch, chế biến các loại cây lâu năm trong vườn cà phê, tiêu, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, ếch, nhím… Từ năm 2008 đến nay, HND các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 8.658 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng trên 1.000 mô hình khuyến nông, lâm, ngư; phối hợp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 9.600 hội viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn huy động hội viên đóng góp trên 1,9 tỷ đồng và ngày công sửa chữa, làm mới 429 căn nhà cho các hộ hội viên nghèo. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực tự vươn lên cộng thêm sự hỗ trợ, tiếp sức của Hội, trong 5 năm (2008 - 2013) toàn tỉnh có trên 10.000 hội viên nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc hỗ trợ vay vốn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của nông dân. Công tác chuyển giao KHKT cho nông dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, mới dừng lại ở những mô hình điểm và một bộ phận nông dân ở những nơi có điều kiện thuận lợi hoặc nằm trong vùng triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình trọng điểm của tỉnh mới được hưởng lợi. Do vậy, để việc hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả cao hơn, các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia hỗ trợ của nhiều thành phần kinh tế; lồng ghép việc chuyển giao tiến bộ KHKT vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc