Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2012-2013: Vượt khó về đích

11:06, 24/05/2013

Chưa khi nào trong vụ đông xuân mà người dân Dak Lak phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nước như vụ 2012-2013. Lượng mưa thấp, nắng nóng kéo dài đã khiến hàng chục nghìn ha cây trồng bị khô hạn hoặc mất trắng…, tuy nhiên, với sự nỗ lực chống hạn của các cấp, ngành và nhân dân các địa phương đã giành được nhiều thắng lợi qua vụ này.

Dù hạn nặng...

Có thể thấy, thời tiết trong vụ sản xuất đông xuân 2012-2013 có một số yếu tố không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ngay từ đầu vụ, tại hầu hết các địa phương đều có lượng mưa không nhiều, bên cạnh đó còn có những đợt nắng nóng, hanh khô kéo dài. Tổng lượng mưa năm 2012 ở hầu hết các địa phương đạt từ 1.100 – 1.800mm, thấp hơn trung bình nhiều năm. Trữ lượng nước hầu hết các hồ chứa chỉ đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế, đặc biệt, tại huyện Ea Kar, Krông Pak, các hồ chứa phổ biến chỉ đạt khoảng 30-50% dung tích. Theo đó, mực nước các sông, suối, hồ đập trên địa bàn tỉnh liên tục giảm dần trong suốt vụ đông xuân. Tính đến giữa tháng 3-2013, ở các địa phương có gần 150 hồ chứa bị cạn kiệt, 23 đập dâng trên suối nhỏ không hoạt động được do suối không còn dòng chảy, 46 trạm bơm hoạt động cầm chừng do mực nước xuống quá thấp, lưu lượng dòng chảy nhỏ, kéo theo tình trạng hạn hán xảy ra khắp 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến đầu tháng 5-2013, tổng diện tích cây trồng bị hạn trên 37.142 ha, trong đó có 3.486 ha bị mất trắng. Cây trồng bị hạn nặng nhất là lúa và cà phê, cụ thể: 8.722 ha lúa nước, chiếm 27,4% tổng diện tích lúa toàn tỉnh; trên 27.577 ha cà phê, chiếm 13,7% tổng diện tích cà phê; các loại cây trồng khác như: ngô, sắn, đậu các loại, thuốc lá… cũng bị khô hạn nhưng ít hơn. Một trong những huyện bị hạn nặng nhất phải kể đến là huyện Ea Kar, trong suốt gần 5 tháng liền, nắng nóng kéo dài, hầu như không có mưa nên trong số 63 công trình thủy lợi, ở đây đều có nguồn nước chứa rất thấp so với các năm, trong đó có 70% hồ chứa nước chỉ đạt đến cao trình mực nước dâng bình thường, còn lại là dưới mực nước dâng bình thường từ 0,5-1,5 m. Đến đầu tháng 4-2013 đã có 10/51 hồ dưới mực nước chết; 41/51 hồ chứa gần mực nước chết, đặc biệt, 70% số ao tại các nông hộ đã bị hết nước. Đỉnh của đợt hạn rơi vào thời điểm lúa đang làm đòng, các loại cây trồng khác cũng cần nước để phát triển nên đã gây thiệt hại khá lớn, trên 1.500 ha lúa, trong đó mất trắng 789,8 ha (sản lượng 5.370,64 tấn); diện tích giảm năng suất từ 30-70% (sản lượng 2.660,7 tấn); 1.815 ha cà phê, trong đó mất trắng là 173,5 ha, diện tích giảm năng suất từ 30 - 70% là 1.641,6 ha.

Nông dân Krông Pak thu hoạch lúa đông xuân.
Nông dân Krông Pak thu hoạch lúa đông xuân.

... vẫn về đích thắng lợi

Nhận định được tình hình thời tiết bất lợi, nên ngay từ đầu vụ Sở NN-PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra tình hình nguồn nước, hướng dẫn các huyện rà soát diện tích, cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão hướng dẫn các địa phương tăng cường các giải pháp trữ nước phục vụ sản xuất; nạo vét kênh mương, tu sửa công trình chống rò rỉ, thất thoát nước; sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm; phân phối nguồn nước cho các loại cây trồng phù hợp, tránh tình trạng tranh chấp nước... Các địa phương cũng đã căn cứ tình hình thực tế, chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất theo kế hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tại những nơi có nguồn nước không bảo đảm; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán để đôn đốc công tác chống hạn; kịp thời hỗ trợ kinh phí giúp nông dân chống hạn, ổn định sản xuất… Ông Phan Ba, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pak cho biết, do chủ động lên kế hoạch chống hạn ngay từ đầu vụ nên khi hạn hán xảy ra, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi kiểm soát, điều chỉnh nguồn nước phù hợp, đồng thời cắt giảm diện tích gieo trồng, cương quyết không cho nông dân sạ lúa ở những diện tích không bảo đảm nguồn nước hoặc không có công trình thủy lợi… Theo đó, mặc dù là huyện có diện tích bị hạn khá lớn (hơn 5.713 ha), tập trung chủ yếu ở cây lúa, ngô, cà phê nhưng năng suất lúa đạt khá cao, bình quân 63 tạ/ha, sản lượng ước đạt 23.671 tấn, đạt kế hoạch đề ra.

Nhờ làm tốt công tác chống hạn nên vụ đông xuân 2012-2013 đã về đích thắng lợi. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 201.508 tấn, vượt 3.213 tấn so với kế hoạch, trong đó, lúa 183.488 tấn (tăng 487 tấn so với kế hoạch), năng suất ước đạt 63,8 tạ/ha; sản lượng ngô 18.020 tấn (tăng 2.726 tấn so với kế hoạch), năng suất 54 tạ/ha. Một số huyện có năng suất lúa đạt rất cao như Krông Ana 71tạ/ha, Ea Súp 69 tạ/ha, Ea Kar 65 tạ/ha… Theo ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT, để có vụ đông xuân thắng lợi cũng cần phải kể đến các địa phương đã chú trọng đưa các giống ngô, lúa lai năng suất cao vào sản xuất đại trà. Diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa lai F1 đạt 15,1% tổng diện tích gieo cấy; diện tích sử dụng giống lúa xác nhận chiếm 60-70%; các giống ngô lai trong nước cũng được nông dân quan tâm đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, diện tích lúa dù bị hạn, nhưng sản lượng được bù lại nhờ năng suất cao của lúa lai. Vì vậy, trong vụ mùa, các địa phương cần khuyến khích người dân lựa chọn các giống lúa lai, lúa xác nhận phù hợp để gieo cấy nhằm góp phần hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu tấn lương thực của tỉnh đề ra.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.